Giữa bời bời sóng gió, Trường Sa vẫn đầy sức sống tươi xanh với những con người bền gan bám biển. Những ngày ở đảo, không ít lần tôi lặng người đi khi nghe tiếng gà gáy sáng, tiếng chuông chùa loang giữa thinh không, khi nhìn bụi tre đằng ngà vàng óng đang vươn lên trong nắng gió.
Giữa bời bời sóng gió, Trường Sa vẫn đầy sức sống tươi xanh với những con người bền gan bám biển. Những ngày ở đảo, không ít lần tôi lặng người đi khi nghe tiếng gà gáy sáng, tiếng chuông chùa loang giữa thinh không, khi nhìn bụi tre đằng ngà vàng óng đang vươn lên trong nắng gió. Lòng tự nhủ, hồn Việt chính là đây, đất nước chính là đây! Để rồi, đêm về nằm nghe sóng vỗ mà cứ ngỡ như “tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả”!
Sắc màu dân tộc
Sau 10 năm tôi lại đến với Trường Sa - quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc giữa Biển Đông đầy sóng gió. Trường Sa hôm nay xanh hơn, nét Việt ngày càng đậm đà hơn qua bàn tay vun đắp của bao thế hệ. Từ những đảo nổi Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết… cho đến những đảo chìm nhỏ nhoi nhưng vững chãi đều bừng lên “màu dân tộc” như bất kỳ một làng quê nào đó trên đất nước Việt Nam. Cho đến giờ, tôi vẫn không quên cảm xúc dâng trào khi nghe tiếng gà gáy sáng trên đảo. Bao năm xa quê nhà, không còn nghe tiếng gà gáy sáng, vậy mà hôm nay ở đảo xa đất liền 500km lại nghe được thanh âm bình dị nhưng rất đỗi thân thuộc đó. Đem câu chuyện kể với PGS.TS Lê Tuấn - giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng ra đảo trong chuyến đi, ông buột miệng nói: “Tổ quốc là đấy chứ đâu”. Vâng, chỉ một tiếng gà gáy sáng thôi đã gợi lên hình hài đất mẹ ở Trường Sa! Suốt hành trình, tôi đã thu vào mình những chỉ dấu của Tổ quốc thiêng liêng!
Hồn Việt ở Trường Sa! Đó còn là việc lưu giữ những tục lệ trong ngày Tết cổ truyền dân tộc. Đến làng đảo ngày cuối năm, ngắm nhìn những chiếc bánh chưng xanh được gói bởi bàn tay của quân, dân trên đảo mà lòng xốn xang đến lạ. Cũng lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt heo… nhưng sao hôm nay ngồi nhìn chiếc bánh thành hình lại rưng rưng xúc động đến thế. Rồi khi hòa mình vào trò chơi dân gian khỏe khoắn như kéo ko, nhảy bao bố; dõi theo những màn múa lân đẹp mắt trong tiếng trống hội mà nhớ đến những lễ hội ở quê nhà nơi đất liền.
Hồn Việt ở Trường Sa! Tôi không quên lần chạm ngõ cổng tam quan chùa Song Tử Tây trong buổi sớm mai. Giữa tiếng rì rào sóng vỗ, bầu trời xanh ngăn ngắt, ngôi chùa Việt với lá cờ Tổ quốc bay trong gió. Đến đảo vào đúng ngày rằm, tôi may mắn được theo chân những người dân đi lễ chùa. Lễ vật giản đơn nhưng lòng đầy thành kính. Từ bao năm nay, những người dân trên đảo vẫn giữ nếp truyền thống ngày rằm, đầu tháng, lễ, Tết đều đến chùa lễ Phật cầu mong sự bình yên cho cả dân tộc. Đời sống trên đảo còn khó khăn, có mái chùa giúp họ thêm ấm lòng.
Hỏi chùa ở Trường Sa có từ bao giờ, Đại đức Thích Nhuận Đạt - trụ trì chùa Song Tử Tây bày tỏ: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt”, người Việt sống ở đâu thì có chùa ở đó. Ngày trước, những ngư dân Việt đi đánh cá ở Trường Sa đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ để thờ thần, Phật. Sau này, Phật tử trong cả nước đã đóng góp để trùng tu chùa khang trang, vững chãi hơn. Điều khác biệt thú vị, chính điện các ngôi chùa ở Trường Sa đều hướng về thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước. Đêm trên đảo nghe tiếng chuông chùa lòng vang lên những câu thơ của Phật tử Nguyễn Đức Sinh: “Tiếng chuông chùa lan tỏa nơi đảo xa/Nghe câu kinh, nhịp mõ an hòa/Nơi biển lặng in mái chùa dân tộc/Ta thấy hồn Đại Việt ở Trường Sa”.
Hồn cốt cha ông
Hồn Việt ở Trường Sa! Đó là cảm xúc dâng trào khi xem những những tấm bản đồ, châu bản triều Nguyễn chứng minh về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam trưng bày ở Nhà truyền thống đảo Nam Yết. Hay khi nhìn những mảnh gốm, sứ thời Trần, Lê được Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Khánh Hòa khai quật đang hiện diện ở đây… Biết bao máu xương cha ông đã đổ, để hình hài nước Việt được như hôm nay. Nào có đâu xa, bức tranh vẽ trận chiến giành chủ quyền ở Gạc Ma năm 1988 với lời thề giữ đảo của Thiếu úy Trần Văn Phương nằm ngay trong phòng truyền thống này. Câu nói đanh thép của Đại tướng Lê Đức Anh ở đảo Trường Sa năm 1988 đầy biến động được khắc trang trọng ở khắp các đảo: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
Hồn Việt ở Trường Sa còn là tấm bia khắc ghi bài thơ thần của Lý Thường Kiệt trên đảo đá Tây: “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư…” vọng lên từ nghìn năm trước. Là bức tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo oai nghiêm chỉ tay ra biển như cách khẳng định về chủ quyền nước Việt ở Biển Đông; hay gương mặt nhân từ, đức độ từ bức tượng bán thân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở công viên trên đảo Sơn Ca. Đêm nằm ngủ trên đảo, nghe tiếng sóng vỗ bờ mà ngỡ như lời người xưa vọng về nhắc nhở truyền thống oai hùng giữ đảo!
Hồn Việt ở Trường Sa không phải là cái gì đó quá cao siêu. Sắc vàng của những bông hoa mướp ngày cuối năm, những bụi tre đằng ngà ở cổng chùa Sơn Linh (đảo Sơn Ca) và bên cột mốc chủ quyền đảo Nam Yết cũng gợi nên bóng dáng những làng quê yên bình của người Việt. Những cán bộ lâu năm trên đảo cho biết, bụi tre đằng ngà ở đảo Nam Yết do cựu binh Nguyễn Văn Thế (hiện sống ở Cam Ranh) mang ra từ đất liền trồng trong chuyến thăm con trai ở đảo. “Tre già măng mọc”, không một lời dạy dỗ nào về truyền thống giữ đảo sâu sắc hơn thế!
Lặng nhìn những bụi tre đằng ngà, tôi cứ miên man nghĩ suy về tre xanh, về đất nước. Tre ở Trường Sa không chỉ là một cây tre bình thường mà đó là hồn dân tộc, là một “cột mốc chủ quyền” của người Việt. Vâng, Trường Sa gió cát bời bời, nhưng tôi tin rồi đây tre xanh không chỉ có trên đảo Sơn Ca, Nam Yết mà sẽ trở thành rặng, thành lũy trên khắp quần đảo thiêng liêng này...
Thành Nguyễn