Không cần phải tra từ điển để xem Tết có nghĩa là gì. Cũng chẳng cần xé vội những tờ lịch treo trên tường. Tết tự đến bởi bên ngoài, từ chợ xôn xao người mua kẻ bán và từ cái rộn ràng, tất bật. Ngẫm lại trong vòng quay 365 ngày của đất trời, có bao nhiêu ngày lễ, nhưng Tết lại là những giờ khắc linh thiêng, kỳ lạ, chẳng phải chỉ dành cho trẻ nhỏ, người lớn, giàu có hay nghèo hèn.
Không cần phải tra từ điển để xem Tết có nghĩa là gì. Cũng chẳng cần xé vội những tờ lịch treo trên tường. Tết tự đến bởi bên ngoài, từ chợ xôn xao người mua kẻ bán và từ cái rộn ràng, tất bật. Ngẫm lại trong vòng quay 365 ngày của đất trời, có bao nhiêu ngày lễ, nhưng Tết lại là những giờ khắc linh thiêng, kỳ lạ, chẳng phải chỉ dành cho trẻ nhỏ, người lớn, giàu có hay nghèo hèn. Tết trộn tròn lòng người thứ tình cảm xốn xang, mà cái thẳm sâu của Tết chính là sự sum họp.
Đúng vậy, không phải thịt mỡ được dọn trên bàn, bánh tét luộc xong, bia rượu khui ra, mà sự đoàn tụ, sự bao dung và tình yêu thương đã tạo nên cái Tết. Chính vì thế, Tết luôn làm cho lòng người chộn rộn, cho đôi bàn tay mềm trong bàn tay, cho nụ cười bao dung và cả tiếng gió bay ngang trời cũng dịu dàng hơn.
Chẳng ai mất công hỏi rằng Tết có tự bao giờ? Tại sao ông bà ta từ ngàn xưa đã nghĩ ra ngày Tết. Có lẽ trong phong tục của người Việt, thói quen chia sẻ, yêu thương cần có những giây phút thật lòng ấy. Chính nhờ có ngày Tết mà con người trở nên gần gũi hơn, yêu thương nhau hơn. Vì thế, ngẫm lại có người đề nghị rằng hãy dẹp ngày Tết đi, chọn Tết Tây cho đỡ tốn kém là điều chắc nói cho vui. Bởi tình người làm sao đo bằng tiền bạc.
Tôi, bạn và bao nhiêu người khác ắt hẳn đã có nhiều cái Tết trong đời. Có Tết vì lý do nào đó không về nhà, ở trong một cánh rừng trong cơn mưa xuân, nhìn cây trổ lá non, nhìn cánh mai rừng bung màu hoa vàng một cách tự nhiên mà lòng như bật khóc. Có những cái Tết cùng lên những chuyến xe nôn nao trở về, những chuyến xe nối lại yêu thương vào những ngày giáp Tết, vì thế dẫu chật cứng mà ai cũng vui vì được trở về. Tôi cũng đã có những ngày Tết của tuổi thơ, đêm giao thừa cứ đi lang thang trên những con đường, để chỉ đưa mắt nhìn vào những ô cửa nhà người khác, không làm gì hết, mà nhón lấy hạnh phúc của sự sum họp trong những căn nhà ấy, nhốt vào trong trái tim bé bỏng của đứa trẻ bị ba mẹ bỏ rơi. Tôi từng có những đêm giao thừa, nghe lời bà nội, lắng nghe trong không gian thử tiếng con gì kêu khi thời khắc chuyển mùa bắt đầu. Bao nhiêu đêm giao thừa tôi lắng nghe, và chẳng biết con gì cất tiếng đầu tiên cho một năm mới. Tôi còn có những sáng mùng một Tết, nghe tiếng chuông chùa trong ngày đầu năm mới, choàng thức dậy chỉ để cảm nhận cảm giác mới mẻ của một ngày. Cũng có khi tủi thân vì mình chỉ là đứa trẻ ở trọ trong nhà, dẫu là nhà cô ruột, vì khi khách lì xì đã chừa mình ra.
Chúng ta đã có bao nhiêu mùa Tết cũ. Ta lớn lên trong từng cái Tết, ta luôn trông đợi sự sum vầy. Như khi tôi đã có gia đình, có hai đứa con gái, sáng mùng một cuộc hành trình luôn là đi ra thăm mộ, đến nhà ngoại. Nay hai đứa con khôn lớn, lại làm dâu nhà người, lại đợi mùng hai mùng ba Tết con về, khi ấy mới thực sự là Tết.
Những mùa Tết cũ ấy kéo theo tuổi thơ ta, kéo theo tuổi thanh xuân, kéo theo thời đi học hồn nhiên quá đỗi. Những mùa Tết cũ ấy đã qua, ta lại bắt đầu một mùa Tết mới, để quay quắt nhìn lại, chợt giật mình là quanh ta lại vắng thêm những bóng người. Còn cây mai trồng trước nhà như hẹn ước, run rẩy trong gió đông níu tay người đòi lặt lá, để mùa.
Khuê Việt Trường