08:02, 11/02/2013

Ngày xuân, giao lưu với “kê sĩ”

Nghe tin anh bạn từ Đà Nẵng lặn lội vào Nha Trang để mua cặp gà Tân Châu với giá gần 10 triệu đồng, tôi cho anh là “hâm”! Nhưng đến khi tận mắt ngắm những chú gà tre cảnh, nhìn các “kê sĩ” cẩn thận, tỉ mỉ đến từng đường nét, tôi mới phần nào cảm nhận được sức hút từ thú chơi tao nhã này.

Nghe tin anh bạn từ Đà Nẵng lặn lội vào Nha Trang để mua cặp gà Tân Châu với giá gần 10 triệu đồng, tôi cho anh là “hâm”! Nhưng đến khi tận mắt ngắm những chú gà tre cảnh, nhìn các “kê sĩ” cẩn thận, tỉ mỉ đến từng đường nét, tôi mới phần nào cảm nhận được sức hút từ thú chơi tao nhã này.

Sức hút từ tiếng “ò ó o”

1

Chú gà “khét sữa” 5 tháng tuổi của “kê sĩ” Phạm Duy Khánh (ở đường Phong Châu, Nha Trang)

Sáng Chủ nhật cuối năm, theo chân Long “Tân Châu” (Thái Quang Long, ở xã Phước Đồng), tôi đến quán cà phê cóc đối diện chùa Long Sơn (TP. Nha Trang) để xem anh “dợt” gà chuẩn bị chơi Tết. Bên ly cà phê, anh Long cùng những người yêu gà cảnh rôm rả bình luận về từng chú gà. Con “chuối tuyết” của anh Long được mọi người trầm trồ hơn cả. Chú gà này đã 16 tháng tuổi nhưng chỉ nặng chừng 0,8kg; mồng trích, chân vuông, đầu nhỏ, mỏ ngắn... Bộ lông của nó trắng như tuyết. Chú gà chỉ cao chừng 20cm nhưng lông đuôi rực rỡ vươn cao tới 35cm rồi phủ xuống tha thướt; lông ở hai cánh, cổ, thân phủ như vạt áo dài, che hết cả chân. Nhìn từ sau, trông chú gà như người chắp hai tay sau lưng đi dạo. Khi đến trước con mái, chú ta đột ngột xoay người, xòe cánh và “múa” như chim công. Múa xong lại cất tiếng gáy rất hãnh diện. Ngoài con “chuối tuyết” của anh Long, những chú gà khác như: “khét sữa” của anh Nguyễn Tín Hùng (ở phường Phước Long), “nhạn râu” của anh Nguyễn Thế Nghĩa (ở phường Phước Hải)... cũng khiến nhiều người phải xuýt xoa.

Vừa nựng chú gà cưng trên tay, anh Long “Tân Châu” vừa “mở mang hiểu biết” cho tôi. Hóa ra, thú chơi gà tre cảnh đã xuất hiện ở phố biển Nha Trang cách đây gần chục năm rồi. Gà cảnh cũng có nhiều chủng loại và xuất xứ khác nhau. Nếu như trước đây, những chú gà tre cảnh có xuất xứ từ Thái Lan, Malaysia, Anh... được giới chơi gà săn lùng thì gần đây, những người đam mê “kê kiểng” lại trở về với giống gà tre Tân Châu - giống thuần chủng của vùng đất An Giang. Gà Tân Châu có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng “võ nghệ” thì số 1, thả ra là “chiến” ngay. Tuy nhiên, đây cũng là giống gà rất thân thiện với con người. Bên cạnh đó, nó lại có tiếng gáy nhỏ thanh, màu sắc bắt mắt (như: màu ô, điều, bạch nhạn, chuối, khét, tía...), dễ nuôi, ít dịch bệnh, giá mềm hơn nhiều so với các giống gà tre khác nên được nhiều người chọn nuôi làm cảnh.

1
Anh Long "Tân Châu" chăm sóc đàn gà cảnh của mình

Anh Long “Tân Châu” khởi xướng phong trào chơi gà Tân Châu ở thành phố biển khi tình cờ đến thăm người bạn thân ở An Giang và lập tức bị những chú gà ở vùng đất này mê hoặc. Từ 2 cặp gà bạn tặng ban đầu, đến nay, anh đã sở hữu hơn trăm con gà Tân Châu đủ kích cỡ. Nhiều người cùng sở thích đã tìm đến nhà anh để chiêm ngưỡng và mua lại một vài chú gà ưng ý. Còn anh Hùng vốn là dân chơi chim cảnh. Cách đây 3 năm, thấy những chú gà tre cảnh thơ thẩn trong sân nhà bạn, thỉnh thoảng lại giương cổ lên gáy, anh chợt thấy nhớ đến những ngày thơ ấu ở quê. Thế là anh quyết định bỏ ra hơn 5 triệu đồng mua một cặp về nuôi. “Ở chốn phố thị ồn ào, được nghe tiếng gà gáy “ò ó o” quen thuộc gợi nhớ làng quê yên bình thì còn gì bằng”, anh Hùng chia sẻ. Bây giờ, những Chủ nhật đẹp trời, anh Hùng lại mang chú gà cưng của mình đến quán cà phê để giao lưu với những “kê sĩ” khác.

“Nghề chơi cũng lắm công phu”

Đến “bản doanh” của gà Tân Châu tại nhà anh Long “Tân Châu” ở Phước Đồng, nhìn cách anh vuốt ve, tắm nắng cho từng chú gà, mới thấy được sự công phu của thú chơi này. Để chăm sóc sức khỏe cho những chú gà yêu, anh phải cắt nhỏ từng miếng cà chua, rau cải, xà lách; cẩn thận trộn lẫn các loại vitamin vào cám, gạo lứt làm thức ăn cho gà. Anh cũng thường xuyên pha một số loại thuốc kháng sinh vào nước uống hay điểm mắt cho từng chú gà. Gà Tân Châu tuy có khả năng miễn dịch khá cao, nhưng mỗi khi thời tiết thay đổi thất thường, người chơi phải đảm bảo dưỡng chất để gà có thêm sức đề kháng. Ngoài ra, người chơi cũng phải hiểu rõ thể trạng của từng chú gà, tiêm ngừa định kỳ để đảm bảo sức khỏe cho gà cảnh trước khi tham gia diễu võ giương oai. Điều mà người chơi gà tre cảnh lo lắng chính là sự xuất hiện của dịch cúm gia cầm. Tuy những con gà tre cảnh có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, nhưng điều đó không có nghĩa chúng miễn nhiễm được loại bệnh này. Vậy nên, một quy tắc bất di bất dịch của giới chơi gà tre cảnh là phải phòng dịch, vệ sinh chuồng trại kỹ lưỡng và tìm hiểu rõ ngọn ngành, xuất xứ của mỗi con gà cảnh. Xem ra, với việc lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ của... gà, chăm sóc gà cảnh còn bận hơn chăm sóc con mọn! Nghe tôi nhận xét, anh Nghĩa đồng tình: “Giống như nghệ nhân chơi cây cảnh, thú chơi gà kiểng cũng đòi hỏi tỉ mỉ đến từng chi tiết. Các “kê sĩ” phải thực sự đam mê, biết cách chăm sóc và huấn luyện để gà của mình đạt được hình dáng và trọng lượng như ý. Gà cảnh phải có dáng đi oai vệ, ngực ưỡn đuôi xòe, nhất là phải dạn dĩ, thân thiện với con người và biết cách tạo dáng khi ra trường gà”.

Để thỏa tình yêu với gà tre cảnh, người chơi có thể mua lại hoặc trao đổi với những người cùng sở thích. Những “chiến kê” có tên tuổi, đã giương oai ở các trường gà rất được giới chơi gà cảnh săn đón. Những chú gà này có giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, những người đam mê gà cảnh thực thụ thường chọn cách tự ấp trứng. Việc này đòi hỏi người chơi phải kiên nhẫn từ khâu lựa chọn cặp gà giống tốt, đến lai tạo làm giống. Để có được một cặp gà ưng ý, người chơi cũng phải nhiều lần lai tạo, lựa chọn từ hàng chục chú gà con được ấp nở thành công. Sau khi lai tạo được cặp gà ưng ý, người nuôi mới bắt đầu việc chăm sóc, huấn luyện gà của mình.

Khi chia tay, anh Long tặng tôi cặp gà Tân Châu 2 tháng tuổi và còn dặn: “Nhớ chăm sóc, huấn luyện gà cho tốt để sớm gia nhập hội những người đam mê gà Tân Châu. Tết này, nhớ ra trường xem gà “khoe sắc, khoe tài” nhé!”. Chắc chắn rồi, Tết này nhất định tôi sẽ ra “trường” để thỏa niềm vui từ thú chơi tao nhã này. Biết đâu, niềm đam mê gà tre cảnh của tôi cũng tình cờ như bao “kê sĩ” khác và sẽ bắt đầu từ đây.

THỦY BA