11:01, 30/01/2012

Chuyện chưa kể về Bình Minh Việt

Bình Minh Việt là tên của nhóm nhạc gồm 4 cô gái chuyên chơi nhạc dân tộc. Nhiều người xem họ biểu diễn, cứ ngỡ đấy là một nhóm nhạc nào đó ở TP. Hồ Chí Minh bởi phong cách chuyên nghiệp không thua các đàn chị Mặt Trời Đỏ hay Mặt Trời Mới…

Bình Minh Việt là tên của nhóm nhạc gồm 4 cô gái chuyên chơi nhạc dân tộc. Nhiều người xem họ biểu diễn, cứ ngỡ đấy là một nhóm nhạc nào đó ở TP. Hồ Chí Minh bởi phong cách chuyên nghiệp không thua các đàn chị Mặt Trời Đỏ hay Mặt Trời Mới… Nhưng thật ra, Bình Minh Việt có “xuất xứ” ở Nha Trang, và 4 thành viên của nhóm đều trưởng thành từ Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang…

Tôi gặp họ vào một ngày cuối năm, khi Bình Minh Việt nhận lời biểu diễn cho một sự kiện tại Nha Trang. 4 cô gái xinh xắn, tươi trẻ đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả ngay từ khi họ biểu diễn với đàn bầu, đàn tranh, tỳ bà, tam thập lục và kể cả… trống. Khán giả xì xào: “Nhóm nhạc nào vậy, chắc của TP. Hồ Chí Minh?”. Tò mò, tôi quyết định đột nhập hậu trường chỉ để hỏi mỗi một câu “các em từ đâu đến” và thật bất ngờ khi nhận được câu trả lời: “Chúng em là người Nha Trang ạ!”.

. Nhóm nhạc… viên chức

Hẹn gặp Bình Minh Việt quả là khó, một phần họ kẹt “sô” diễn, phần nữa các thành viên trong nhóm đều có công việc riêng nên cuộc gặp cứ bị dời tới dời lui. Hỏi chuyện mới biết, cả 4 cô gái đều đang là viên chức: Đàm Lê Phương - nhóm trưởng (chơi đàn tam thập lục) hiện đang là giảng viên thanh nhạc của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang; Trần Nhật Quyên (đàn bầu, t’rưng) là nhân viên của Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh; Nguyễn Hằng Thùy (đàn tỳ bà) là giáo viên tiểu học và Nguyễn Thanh Hường (đàn tranh) hiện đang công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Mỗi người một công việc nhưng họ lại kết nối với nhau bằng “sợi dây” đam mê nhạc dân tộc. Có lẽ, cơ duyên khiến họ gắn bó với nhau chính bởi vì cả 4 cô gái đều xuất thân từ “lò” đào tạo Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang. 10 năm trước, khi còn là sinh viên, họ đã từng chơi thân với nhau, từng đi biểu diễn với nhau nên quá hiểu về nhau. Nhưng để lập nhóm nhạc như bây giờ thì mọi chuyện mới chỉ bắt đầu từ năm ngoái…

Đàm Lê Phương nhớ lại: Sau khi ra trường, mỗi người một công việc nhưng cả nhóm vẫn thường xuyên gặp nhau. Phương rời Nha Trang, tiếp tục vào TP. Hồ Chí Minh học lên đại học. Khi ấy, Trần Nhật Quyên cũng chuẩn bị khăn gói vào gia nhập nhóm Mặt Trời Đỏ. Nhưng chỉ được vài ngày, Quyên nhận ra nơi này không phù hợp với mình, dù ở lại với Mặt Trời Đỏ, cô có nhiều điều kiện để tỏa sáng và nổi tiếng. Lúc ấy, hai cô gái trẻ cùng bật lên ý nghĩ, tại sao mình không lập nhóm nhạc riêng? Ngay lập tức, ý tưởng này được triển khai nhanh đến nỗi bây giờ nhớ lại, các cô gái trong nhóm vẫn không thể hiểu nổi tại sao mình lại có thể làm được như thế trong “bối cảnh” có quá nhiều khó khăn đối với một nhóm nhạc “tự thân vận động” như họ. Để có nơi tập luyện, Phương xin bố mẹ một phòng riêng trong nhà - xem như là “đại bản doanh” của nhóm. Ban ngày đi làm, tối đến cả nhóm lại đến nhà Phương để tập đàn, thảo luận về cách bè phối, chọn bài biểu diễn. Buổi ra mắt khán giả đầu tiên của nhóm là ở Khu Du lịch Diamond Bay. Tuy đã nhiều lần biểu diễn cùng nhau nhưng đấy lại lần cả nhóm… run nhất và hạnh phúc nhất khi cái tên “Bình Minh Việt” chính thức “trình làng”. Tiền cát-sê của buổi biểu diễn hôm ấy, cả nhóm đã tự “khao” nhau một bữa ra trò để mừng “thắng lợi”! Nhưng ít ai biết được rằng, trước đó, Bình Minh Việt đã từng nhận lời biểu diễn “free” (miễn phí) ở một vài tụ điểm, xem đó như là một cách tiếp cận khán giả và tự rèn giũa mình.

. Giữ lửa cho niềm đam mê

Trong nhóm, Nhật Quyên có giọng hát khỏe nên đương nhiên là… ca sĩ chính, các thành viên còn lại đảm nhận việc hát bè. Có thể nói, gần 10 năm theo học lớp sơ - trung cấp ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch, các thành viên trong nhóm đều có bề dày học tập đáng nể khi quyết tâm đeo đuổi nhạc cụ dân tộc. Quyên kể, cô và các bạn đã theo học môn này từ hồi còn bé xíu nên niềm đam mê cứ theo họ lớn dần, ngấm vào người. Cho đến khi thành lập được ban nhạc riêng, ngọn lửa đam mê ấy càng bùng cháy mãnh liệt hơn. Vì đã chơi thân với nhau từ hồi còn đi học nên khi lập nhóm, các thành viên đều rất hiểu nhau, phối hợp ăn ý, dù đôi khi cũng xảy ra một vài bất đồng nho nhỏ. Khác với các nhóm nhạc khác, Bình Minh Việt không có “bầu sô”, mọi việc họ đều phải tự lực cánh sinh: tự làm bầu sô, tìm hợp đồng biểu diễn, dàn dựng vũ đạo, thiết kế trang phục… Những vấn đề này luôn được các thành viên bàn bạc cùng nhau, có khi cãi nhau nảy lửa mới… “ra ngô ra khoai”. Có lẽ vì vậy mà trên sân khấu, họ biểu diễn rất ăn ý, tất cả đều cùng hòa mình vào âm nhạc và “cháy” hết mình vì nó…

Tu trai sang: Nhat Quyen, Thanh Huong, Le Phuong va Hang Thuy
Tu trai sang: Nhat Quyen, Thanh Huong, Le Phuong va Hang Thuy

Một năm qua, Bình Minh Việt đã bắt đầu được khán giả biết đến nhiều hơn. Nhóm còn nhận được nhiều “sô” diễn ở ngoài tỉnh. Mỗi lần đi diễn, “đồ nghề” của nhóm khá lỉnh kỉnh với các loại đàn, trống, bộ gõ… Vừa đi làm, vừa đi diễn, các thành viên của nhóm khá bận rộn, vì thế tranh thủ lúc rảnh, họ lại tập cùng nhau. Những bài hát, những bản hòa âm từ nhạc cụ dân tộc được Bình Minh Việt dàn dựng, phối khí có sự đầu tư khá kỹ mà không hề “photocopy” từ các nhóm nhạc khác. Những thành viên của nhóm nhận xét, vì là con “nhà nghề” nên họ rất khó tính trong từng tiết mục, bởi vậy dù vẫn là bài hát đó, giai điệu đó nhưng khi nhận “sô” ở đâu, họ vẫn nghiêm túc tập luyện cùng nhau.

Tết này, Bình Minh Việt đã nhận lời biểu diễn ở một số tụ điểm ca nhạc. “Chị cả” Đàm Lê Phương trăn trở: “Thêm một tuổi, Bình Minh Việt càng trưởng thành hơn. Tuy vậy, cả nhóm vẫn luôn ước ao giá như mình được biểu diễn trong các sự kiện lớn của tỉnh, như Festival Biển chẳng hạn, dù có biểu diễn miễn phí cho khán giả thưởng thức, chúng em cũng rất sẵn lòng, vì đây là cách để khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ thêm hiểu và yêu hơn dòng nhạc dân tộc…”.

Ước mơ ấy của Bình Minh Việt liệu có thành hiện thực trong năm mới?

NHÃ KỲ