04:02, 02/02/2011

Thú săn cây kiểng

Những cây kiểng có dáng đẹp thường đem lại cho ta cảm giác thích thú đến lạ kỳ. Có lẽ bởi thế nên nhiều người đã dành khá nhiều thời gian, công sức để sưu tầm cho bằng được những cây thế "có một không hai"...

Những cây kiểng có dáng đẹp thường đem lại cho ta cảm giác thích thú đến lạ kỳ. Có lẽ bởi thế nên nhiều người đã dành khá nhiều thời gian, công sức để sưu tầm cho bằng được những cây thế “có một không hai”…

Ông Hiền bên cây mai chiếu thủy trăm tuổi.

Nghe tiếng ông Nguyễn Chí Hiền - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Khánh Hòa từ lâu nhưng mãi gần đây, tình cờ ngồi với một người bạn, tôi mới may mắn được gặp. Ấn tượng ban đầu về ông là con người có niềm đam mê chơi cây cảnh theo cách rất riêng. Sau này, khi đến thăm nhà, tôi lại được ông đọc mấy vần thơ tâm đắc: “Lang thang như những cánh chim/Bồng bềnh phiêu bạt để tìm cố nhân/Giang hồ phiêu lãng bụi trần/Để tìm cho được dấu chân người tình…”. Ông nói, những câu thơ tuy dung dị nhưng rất đúng khi so sánh với cái tình của người đam mê cây cảnh. Ông còn cho biết thêm, để có được một cây thế “có một không hai”, nghệ nhân phải yêu cây không khác “người tình” và phải có con mắt tinh nghề. Hồi còn trẻ, ông đã lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm bằng được những thế cây ưng ý. Có người không hiểu cho ông là kẻ rỗi hơi. Nhưng ông vẫn dành nhiều năm cho thú chơi này. Chỉ tay về cây mai chiếu thủy được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong khu vườn nhỏ, ông cho biết, nó đã có tuổi thọ gần 100 năm và từng đoạt giải Nhì tại Hội thi Sinh vật cảnh của tỉnh năm 1994. Việc ông tìm được cây mai chiếu thủy này cũng là cái duyên. Năm 1990, trong một chuyến đi công tác tại Đồng Tháp, ông vô tình phát hiện cây mai trong vườn của một cụ già đã ngoài 80 tuổi. Cây mai thế sần sùi đó đã chinh phục ông hoàn toàn. Tuy nhiên, khi ông ngỏ ý muốn mua lại, ông cụ kia đã lắc đầu từ chối, bởi cây mai là tâm huyết cả đời chơi cây của cụ. Sau nhiều ngày liền ông năn nỉ và có lẽ thấy ông Hiền là người thực sự hiểu và có tâm với “kiệt tác” của mình nên cuối cùng, ông cụ nọ cũng đồng ý cho ông rước “báu vật” về Nha Trang.

Thú chơi cây kiểng ở Khánh Hòa đã có từ khá lâu, mỗi vùng lại có những kiểu chơi khác nhau. Vạn Ninh chuyên chơi cây sanh, si, Diên Khánh chơi lộc vừng, Nha Trang lại chơi bon sai dáng quý phái. Trước đây, giới chơi cây kiểng từng khâm phục nghệ nhân Tư Thiết ở Nha Trang bởi thú đam mê cây cảnh ít ai bằng. Hễ nghe tiếng vùng nào có cây “độc” là ông Tư Thiết lại khăn gói lên đường tìm mua cho bằng được. Cả đời nâng niu vườn cây thế quý nhưng lúc cuối đời, ông đã tình nguyện dâng tặng Lăng Bác cặp mai chiếu thủy mà ông xem là công trình tiêu biểu của đời mình. Mới đây, giới sành cây kiểng lại “bàng hoàng” với vườn cây tiền tỷ của một đại gia cây kiểng ở Vạn Ninh. Riêng 6 cây sanh trong vườn của đại gia này cũng đã trị giá trên 7 tỷ đồng. Trong “cơn sốt” cây xanh vừa qua, nhiều người đến nài nỉ mua, trả giá mỗi cây trên 1 tỷ đồng, song ông này vẫn lắc đầu. Lý do từ chối bán không phải để đợi giá tăng cao hơn, mà đơn giản vì những cây kiểng này đã gắn bó với ông suốt mấy chục năm nay. Để có được những cây sanh kiểng cổ thụ, ông này đã phải mất nhiều năm trời lặn lội khắp trong Nam, ngoài Bắc.

                      Cây bằng lăng được vợ ông Hiền sưu tầm.

Để săn được một cây kiểng “đẳng cấp” là cả một câu chuyện dài. Đối với anh Nguyễn Văn Dương (mới chơi cây cảnh ở Vạn Ninh) thì việc tìm mua và tạo dáng được cây dương “phong vân” 200 năm tuổi thì đúng là một quá trình. Cây dương này vốn của một phụ nữ trong nghề; khi phát hiện, anh Dương đã nài nỉ mua lại. Song, vì quá yêu dáng vẻ độc đáo của cây dương nên người phụ nữ đã từ chối. Phải sau nhiều năm kiên trì, anh mới bày tỏ được sự đồng điệu về tâm hồn với người mê cây kiểng đó và mua được cây dương. Mới đây, tại Triển lãm Sinh vật cảnh mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cây dương “phong vân” của anh đã nhận được giải xuất sắc của Ban tổ chức. Đã có một người ở miền Bắc ngỏ ý mua lại với giá gần 1 tỷ đồng nhưng anh Dương từ chối.

Theo một số người chơi cây kiểng có “số” ở Nha Trang, chơi cây kiểng không thể quy giá trị của cây thành tiền. Người chơi cây kiểng có đẳng cấp, muốn thành công phải thực sự đam mê, làm cho cây có hồn. Cây đã đẹp vẫn cần làm cho đẹp hơn về dáng thế, phát triển theo niêm luật... Một cây kiểng “độc” phải đảm bảo các yếu tố: cổ - kỳ - mỹ, nghĩa là phải già, kỳ dị, lạ, có giá trị mỹ thuật cao. Cây phải có dáng đẹp, cành nhánh cân đối theo một trong 4 thế: trực, siêu, hoành, huyền. Để có được một cây kiểng  “độc”, có người bắt đầu bằng niềm đam mê ươm, chăm cây kiểng, và kiên trì theo thời gian; có người lại đi mua cây bụi rồi về tỉa tót; thậm chí có người còn chưa bao giờ biết cầm kéo cắt tỉa, họ chỉ cần bỏ vốn ra là thành… “đại gia cây cảnh”… Nhưng dù cách nào, tất cả đều có chung niềm đam mê cây kiểng.

Nói về thú săn cây kiểng, nhất là kiểng “độc”, dường như là đề tài không bao giờ cạn. Những người đam mê cây kiểng nhờ thế cây để nói lên hồn, cốt của mình. Họ tìm đến cây không đơn thuần vì muốn ngắm nhìn, mà còn như muốn tìm đến sự giao thoa giữa lòng người và thiên nhiên. Và cứ mỗi lần Tết đến Xuân về, những người chơi cây kiểng lại miệt mài tỉa tót các “tác phẩm nghệ thuật” của mình, để góp cho đời thêm chút Xuân.

ĐÌNH LÂM