08:02, 05/02/2011

Thu hẹp mọi khoảng cách không gian

Một ngày cuối năm, chúng tôi lên huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa). Tuy đi trên những con đường đã bị hỏng bởi cơn lũ dữ đầu tháng 11-2010, nhưng việc “đi lại” của chúng tôi vẫn không bế tắc hoàn toàn.

° Từ miền núi…

Một ngày cuối năm, chúng tôi lên huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa). Tuy đi trên những con đường đã bị hỏng bởi cơn lũ dữ đầu tháng 11-2010, nhưng việc “đi lại” của chúng tôi vẫn không bế tắc hoàn toàn. Bởi ngoài phương tiện truyền thống như sổ tay, bút viết, máy ảnh, chúng tôi còn có thêm máy tính xách tay và chiếc D-Com nhỏ gọn. Bây giờ, ở thành thị, chuyện đó là quá bình thường, nhưng cách đây 5 năm, cánh phóng viên chúng tôi có mơ giữa ban ngày cũng chẳng thấy. Nhờ có mấy “công cụ” đó, dù đi tới đâu trên địa bàn huyện Khánh Sơn, chúng tôi vẫn có thể dùng điện thoại di động để liên lạc, hay kết nối Internet thông qua chiếc D-Com của Viettel. Vì thế, việc gửi và nhận thư điện tử, dù là tệp văn bản thuần túy hay những tệp ảnh đính kèm nặng đến vài “mê” (Mega Byte - MB), cũng chỉ mất chưa đầy 60 giây, giúp chúng tôi kịp thời cập nhật tin, bài về Tòa soạn.

Bo Bo Hùng - một thanh niên người dân tộc Raglai ở thị trấn Tô Hạp khoe: “Mình đã hình thành thói quen truy cập Internet thường xuyên để tìm hiểu thông tin thời sự trong tỉnh… Vài năm trước, mình “tậu” được “con” Nokia “nồi đồng, cối đá”, giá rẻ mà sóng rất “khỏe”, nhờ đó, mình luôn kết nối được với người thân và bạn bè”. Lòng vòng ở phố núi Tô Hạp, chúng tôi cũng nhận thấy người dân nơi đây hầu hết đều có “dế” thường trực.

° … đến hải đảo xa xôi

Giữa muôn trùng sóng nước, trạm BTS trên đảo Đá Tây, huyện Trường Sa vẫn kiêu hãnh vươn cao phủ sóng điện thoại, Internet

Ra huyện đảo Trường Sa, cánh phóng viên báo chí chúng tôi đều trang bị cho mình những “trợ thủ đắc lực” để “tác chiến” tại huyện đảo. Hiện nay, tại tất cả các đảo, điểm đảo đều có thể sử dụng điện thoại để liên lạc về đất liền. Ngạc nhiên hơn là chúng tôi còn có thể cập nhật tình hình quân và dân huyện đảo Trường Sa về đất liền thông qua chiếc D-Com. Xuân Cường - phóng viên Báo Quân đội Nhân dân vừa đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa) đã khoe với tôi: “Lúc ở trên tàu, thấy điện thoại rung rung, cứ tưởng tín hiệu báo thức, nào ngờ tin nhắn của bà xã! Mình cảm thấy Trường Sa giờ đã gần với đất liền hơn bao giờ hết”.

Giữa mênh mông biển nước, sóng điện thoại di động đã hòa cùng nắng, gió Trường Sa, phục vụ đời sống tinh thần cho quân và dân huyện đảo. Trong lúc chúng tôi tâm sự, phóng viên Hương Sen - Báo Công an Nhân dân vẫn “múa” trên bàn phím máy tính xách tay để kịp gửi bài về Tòa soạn tận Thủ đô Hà Nội.

° Từ xa xỉ đến bình dân

Theo các chuyên gia, năm 2000, thị trường viễn thông Việt Nam gần như chưa có sự cạnh tranh bởi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn là doanh nghiệp chiếm hầu hết thị phần dịch vụ viễn thông. Thời điểm đó, dịch vụ viễn thông của Việt Nam vẫn còn có mức giá khá cao. Với nhiều người, việc sử dụng điện thoại di động, Internet khi đó như dùng… hàng xa xỉ. Khi đó, điện thoại di động còn chia 3 vùng cước với mức cước nội vùng là 3.500 đồng/phút, liên vùng là 6.000 đồng/phút và cách vùng là 8.000 đồng/phút. Đầu năm 2000, tổng số thuê bao điện thoại di động chỉ ở mức 0,3 triệu, toàn quốc chỉ có 3,5 triệu thuê bao điện thoại (cố định và di động). Sau đó, với việc cho nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Viettel, EVN Telecom, FPT Telecom, Gtel, Hanoi Telecom…, thị trường viễn thông Việt Nam liên tục tăng trưởng. 10 năm qua, thị trường này tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. Hiện mức giá cước viễn thông của Việt Nam đã đạt mức trung bình và thấp hơn các nước trong khu vực, như di động trả sau, cước hiện chưa đến 900 đồng/phút và không còn bị “khoanh vùng”. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 10-2010, tổng số thuê bao điện thoại là 156,1 triệu, trong đó thuê bao di động chiếm 90,32%; mật độ đạt 180,7 máy/100 dân. Toàn quốc có trên 25,09 triệu người sử dụng Internet, đạt mật độ 29,24%; tổng số thuê bao băng thông rộng đạt hơn 3,38 triệu thuê bao… Nhiều chuyên gia cho rằng, viễn thông là lĩnh vực mở cửa thành công nhất của nền kinh tế Việt Nam 10 năm qua.

Từ chỗ là dịch vụ xa xỉ, ngày nay, điện thoại di động và Internet đã trở thành bình dân, phổ biến đến mọi tầng lớp xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách không gian.

THÀNH LONG