Vào hôm Chủ nhật 19-12-2010, Sir Alex Ferguson trở thành Huấn luyện viên dẫn dắt Manchester United lâu nhất, vượt qua Sir Matt Burby với tổng thời gian là 24 năm, 1 tháng, 14 ngày. Bước sang tuổi 70, với thành tích lẫy lừng mang lại cho “Quỷ đỏ” qua gần 1/4 thế kỷ, Sir Alex Ferguson đã trở thành huyền thoại của Old Trafford - Nhà hát của những giấc mơ.
Alexander Chapman Ferguson (sinh ngày 31-12-1941 tại Govan, Glasgow) là một cựu cầu thủ và là một huấn luyện viên bóng đá người Scotland. Từ năm 1986 đến nay, ông là Huấn luyện viên trưởng Câu lạc bộ bóng đá Manchester United. Ông được coi là một trong những huấn luyện viên bóng đá xuất sắc nhất mọi thời đại và cũng là huấn luyện viên đoạt nhiều danh hiệu nhất trong lịch sử bóng đá Anh. Với hơn 24 năm dẫn dắt Manchester United, ông là huấn luyện viên có thời gian huấn luyện cho câu lạc bộ lâu nhất, hơn cả Sir Matt Busby và hiện tại ông là huấn luyện viên có hợp đồng dài nhất so với các huấn luyện viên ở Anh. Trong thời gian này, ông đã gặt hái được hàng loạt danh hiệu và những kỷ lục cho Câu lạc bộ Manchester United cũng như cá nhân ông. Năm 1999, sau “cú ăn ba lịch sử” ông vinh dự được Nữ hoàng Elizabeth II của Anh phong tước Hiệp sĩ. Từ đó, ông thường được gọi là Sir Alex Ferguson (Ngài Alex Ferguson).
Ông là một chiến lược gia đại tài, một người hiếu thắng, hay chỉ là một người may mắn. Tất cả đều đúng, nhưng không thể tách rời mà luôn bổ trợ cho nhau và góp phần giúp ông có gần một phần tư thế kỷ thành công ở Câu lạc bộ áo đỏ thành Manchester.
Nhà cầm quân hiếu thắng: Ferguson không bao giờ muốn “sống chung với thất bại” - như chính ông thừa nhận. Đây có lẽ là cá tính điển hình và dễ nhận ra ngay trong lối sống, từng hành động và lời nói của ông. Khi đội nhà ghi bàn hay giành chiến thắng, Ferguson luôn nhảy cẫng lên ăn mừng như một đứa trẻ. Còn khi thua, trên gương mặt ông là sự thất vọng chạy dài, thậm chí là cáu bẳn (thế nên mới có vụ “chiếc giày bay” vào mặt Beckham khi Manchester United để thua Arsenal ở vòng 5 cúp FA năm 2003). Không dừng ở đó, nhiều người còn cho rằng Ferguson bị ám ảnh bởi sự hiếu thắng. Nhưng có lẽ, đó cũng chính là lý do biến ông trở thành một huấn luyện viên thành công như hiện nay. Mang “nỗi ám ảnh” ấy, Sir Alex truyền vào các học trò, dạy họ cách thi đấu bằng khát khao chiến thắng mãnh liệt. Và chính điều này, không ít lần “Quỷ đỏ” thành Manchester đã làm nên những cuộc lội ngược dòng lịch sử mà trận chung kết Champions League năm 1999 với Bayern Munich là một điển hình.
Một công nhân: Trước khi đến với trái bóng một cách chuyên nghiệp, Ferguson từng trải qua những năm tháng làm việc khá vất vả trong xưởng đóng tàu của người cha. Chính quãng thời gian làm việc như “một công nhân đích thực” ấy đã ảnh hưởng nhiều đến tư duy và phong thái làm việc của ông sau này. Chẳng cần biết những học trò của mình là “sao” phương nào, trên sân cỏ Sir Alex luôn đòi hỏi họ - những Giggs, Rooney, Ronaldo hay trước đây là Beckham, Nistelrooy phải tập luyện và thi đấu cần mẫn, chăm chỉ như những người công nhân và chính những phẩm chất này đã giúp Ferguson hiểu rất rõ giá trị của đồng tiền.
Chiến lược gia: Manchester United là đội bóng Anh đầu tiên sử dụng lối đá phản công chớp nhoáng. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, Ferguson đã xây dựng cho đội bóng của ông một lối chơi tấn công bùng nổ, hoa mỹ nhưng hiệu quả trên nền một hàng thủ vững chắc, những cầu thủ chạy cánh khôn ngoan và hàng công sắc sảo. Khi Champions League ra đời năm 1992, cũng là lúc Ferguson bắt đầu tìm cách đối chọi với các đội bóng châu Âu. Có lúc Manchester United của ông chơi 4-4-2 rồi 4-5-1 hay 4-3-3; có lúc thành công, có lúc thất bại. Nhưng chỉ riêng khả năng tìm tòi, hướng đến sự đa dạng trong lối chơi thôi cũng đủ để biến ông trở thành một trong những chiến lược gia tài ba nhất của làng bóng đá Anh.
Với tầm nhìn xa trông rộng của một chiến lược gia, Ferguson thậm chí đã “dẹp” luôn đội hình hùng mạnh từng giành “cú đúp” năm 1994 để tạo cơ hội cho lứa cầu thủ trẻ. Vì theo ông: “Những cầu thủ trẻ như Beckham và Scholes đều là những tài năng xuất chúng, họ cần được trải nghiệm để trở lên mạnh mẽ hơn”. Khi Sir Alex nói điều này trước đây, có nhiều người cho rằng “ông ta bị mất trí rồi”. Nhưng cuối cùng ông đã thành công khi đặt niềm tin vào lứa cầu thủ này.
Chuyên gia tâm lý: Bóng đá là một môn thể thao giải trí nhưng những người chơi trong đó lại bị rất nhiều sức ép. Điều này đòi hỏi các huấn luyện viên phải tự biến mình thành những nhà tâm lý. Và Alex Ferguson có lẽ là bậc thầy trong lĩnh vực này. Ông biết phải làm gì, như thế nào và vào lúc nào để có được hiệu quả tối ưu. Chúng ta hãy nhớ lại những từ ngữ rất có sức thuyết phục mà Sir Alex đã nói với các học trò vào giờ nghỉ giữa hiệp trong tận chung kết kinh điển Champions League năm 1999, thời điểm Manchester United bị Bayern Munich dẫn 0-1: “Nếu cứ thi đấu thế này đến cuối trận các cậu sẽ phải đứng cách chiếc Cup một quãng ngắn mà không được phép sờ vào nó. Với nhiều người trong số chúng ta, đây sẽ là cơ hội thuận lợi nhất để giành chiếc Cúp danh giá này. Bởi vậy, hưng phấn lên nào. Có dám chiến thắng không?”. Trận này Manchester United thắng ngược 2-1 nhờ hai bàn thắng vào phút cuối trận.
Rồi cách ông giải mối bất hòa giữa Ronaldo và Rooney nảy sinh trong trận tứ kết giữa Anh và Bồ Đào Nha ở World Cup 2006 cũng là một minh chứng điển hình. Và mới đây nhất, khi Rooney làm mình làm mẩy đòi ra đi, chính ông cũng giải quyết êm xuôi. Hay cái cách mà ông giúp các cầu thủ như Bebatov, Andexen… lấy lại phong độ cũng là những thành công nhờ liệu pháp tâm lý.
Một người bản lĩnh: Nhờ yếu tố này, Ferguson mới có thể đứng vững trước áp lực và sóng gió dư luận để đưa ra những quyết định có tính mạo hiểm hay đưa các học trò vượt qua những thời khắc khó khăn. Chính ông đã giúp Giggs tránh khởi sự nhòm ngó của giới truyền thông, quyết liệt bảo vệ Cantona khi tiền đạo người Pháp gặp rắc rối (bị treo giò 8 tháng vì đạp vào một cổ động viên), bênh vực Beckham khi cầu thủ này gặp sự cố ở World Cup 1998, hay mới đây nhất là chuyện của Rooney.
Người may mắn: Đây là yếu tố mà chính Ferguson, trong lễ mừng “cú ăn ba” lịch sử ở sân Old Trafford năm 1999 cũng đã tự thừa nhận.
Thật tuyệt vời cho Ferguson nếu cuối mùa bóng năm nay, ông đem về cho Manchester United chức vô địch thứ 19 để vượt qua kỷ lục mà Liverpool đang nắm giữ. Đó cũng là món quà đầy ý nghĩa đánh dấu 1/4 thế kỷ huyền thoại của Alex Ferguson tại “Nhà hát của những giấc mơ”.
HOÀNG NAM