04:02, 06/02/2011

Với những bài học về khối óc và đôi bàn tay

Thoạt tiên, giảng viên Nguyễn Phúc Thị Xuân Tâm gây ấn tượng với chúng tôi bởi vẻ ngoài “rất Huế” toát lên từ giọng nói và phong thái nhẹï nhàng cố hữu.

Thoạt tiên, giảng viên Nguyễn Phúc Thị Xuân Tâm gây ấn tượng với chúng tôi bởi vẻ ngoài “rất Huế” toát lên từ giọng nói và phong thái nhẹï nhàng cố hữu. Thế nhưng, trên bục giảng, trong hình ảnh một cô giáo Xuân Tâm “rất Huế”, còn có hình ảnh cô giáo Tâm mạnh mẽ, sôi nổi và hài hước. Sự biến hóa linh hoạt và thú vị của cô khiến những tiết dạy luôn cuốn hút. Những bài giảng của cô giáo Tâm vì thế giúp học trò dễ hiểu, dễ nhớ, hiểu sâu và nhớ lâu hơn.

Hôm ấy, chúng tôi được tham gia tiết dạy của cô về Viêm ruột thừa cấp và thai nghén. Đây chỉ là tiết học thuần về lý thuyết, không phải giờ thực hành nhưng cô đã khuấy động không khí lớp học bằng những ví dụ và đạo cụ rất thực tế. Vẫn trong tà áo dài, cô bất ngờ dẫn vào bài giảng bằng hình ảnh, tư thế và những động tác mạnh mẽ của một võ sĩ quyền anh, rồi đặt một câu hỏi tưởng chừng rất ngoài lề về “vùng cấm” trong luật chơi đấm bốc. Từ việc lý giải nguyên do dưới con mắt nghề y, cô dẫn dắt câu chuyện để trả lời cho câu hỏi liên quan đến bài học. 

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Phúc Thị Xuân Tâm luôn làm cho giờ học thêm sinh động.
Lớp học đang yên lặng, bất ngờ cô lấy chiếc găng tay y tế nhờ một học trò thổi lên thành quả bóng. Cả lớp tò mò, chờ đợi rồi phá lên cười bởi sự ứng dụng linh hoạt của cô khi quả bóng mềm bằng găng tay đặt lọt trong ổ bụng hình vẽ trên bảng, biến thành bụng bầu. Với “đạo cụ” này, cô dễ dàng hướng dẫn các điều dưỡng sản tương lai những kiến thức khi thăm khám những thai phụ nghi ngờ bị viêm ruột thừa. Chúng tôi cũng như các em sẽ không quên bài học của cô về khối óc và đôi bàn tay. Khi nghe học sinh trả lời dùng máy siêu âm để kiểm tra thai phụ, cô Tâm đã nói: “Máy móc, thiết bị hiện đại hỗ trợ đắc lực cho y bác, sĩ nhưng các em phải nhớ rằng, tuyến y tế cơ sở không dễ gì có đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Vì thế, tôi muốn các em biết vận dụng khối óc và bàn tay chứ không phụ thuộc vào máy móc”. Và khi cô hướng dẫn, ai cũng bất ngờ vì hóa ra thủ thuật rất đơn giản.

“Sợ” và thích là hai cảm giác của nhiều lứa học trò của cô. “Sợ” là vì cô thường hỏi sâu kiến thức và đòi hỏi thái độ học tập nghiêm túc. Thích là vì giờ giảng của cô lúc nào cũng sinh động và lôi cuốn. Để có những giờ giảng sôi nổi, thu hút, cô Tâm luôn chuẩn bị kỹ từng bài giảng, đưa ra những câu chuyện hài hước, những tình huống thú vị, những trò chơi tạo hứng thú cho sinh viên. Giảng đường đôi lúc biến thành sân khấu, những đồ vật nhỏ bé bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành “đạo cụ” để minh họa cho bài giảng của cô. Từng là học trò của cô, giờ đây đã trở thành đồng nghiệp, chị Nguyễn Kim Minh Lộc, giảng viên bộ môn phụ sản chia sẻ: “Cô Tâm là một giáo viên đầy nhiệt huyết, luôn giảng dạy bằng tất cả tình cảm và trái tim của một người yêu nghề. Chính nhờ sự dìu dắt tận tâm của cô mà tôi cũng như bao lớp học trò đã trưởng thành như hôm nay”.

“Dạy sinh viên cách vận dụng bàn tay và khối óc” là phương châm giảng dạy của cô trong suốt bao nhiêu năm qua. Nó gắn với phương pháp dạy mang tính gợi mở, đòi hỏi học trò phải biết tư duy, lý giải…

Theo cô Tâm, để dạy tốt, người giảng viên phải có kỹ năng nhận biết đối tượng để chọn phương pháp giảng phù hợp. Đồng thời, có kỹ năng phát hiện vấn đề để xây dựng tình huống học tập cho sinh viên. Giảng viên cũng phải có kỹ năng xử lý tình huống trên lớp, biết kết hợp phương pháp giảng với phương tiện hỗ trợ dạy học một cách thuần thục. Bên cạnh đó giảng viên còn phải làm nghiên cứu khoa học để có nhiều thực tế thuyết phục, có nhiều thông tin chắc chắn, đáng tin cậy do chính mình nghiên cứu ra để bổ sung cho bài giảng. Có thế mới gây hứng thú cho sinh viên, giúp người học tiếp thu nhanh và nhớ lâu hơn.

Chính vì quan niệm, giảng viên không chỉ đều đều đứng lớp mà còn cần nghiên cứu khoa học, trong gần 30 năm qua, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Phúc Thị Xuân Tâm đã có nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả trong công tác giảng dạy.

Đề tài “Thiết kế mô hình thai nhi trong bọc ối” đã khởi đầu cho hoạt động nghiên cứu khoa học của cô Tâm. Đề tài này được xếp loại A cấp tỉnh năm 1996 và dự thi toàn quốc năm 1997. Chỉ với chiếc găng tay y tế cỡ lớn và búp bê cao su được khéo léo nhét vào trong rồi đổ đầy nước, cô giáo Nguyễn Phúc Thị Xuân Tâm đã làm được mô hình thai nhi trong bọc ối. Nó giúp học sinh, sinh viên dễ dàng hình dung, cảm nhận và có thể thực hiện các thao tác như thật. Mô hình này được những đồng nghiệp trong ngành đánh giá cao và nó được ứng dụng trong suốt quá trình giảng dạy.

Với gần 30 năm giảng dạy, cô đã đạt được các danh hiệu: giải nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi toàn quốc năm 1997, giải nhất Hội giảng giáo viên dạy giỏi các tỉnh phía Nam trong các trường y tế năm 2007, 3 giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh… Ghi nhận những đóng góp của cô trong sự nghiệp giáo dục, năm 2010, Nhà nước đã phong tặng cho cô danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Với Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Phúc Thị Xuân Tâm, nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến làm cho cô ngày một hoàn thiện hơn trong cuộc sống, trong công việc.

KHÁNH NINH - THU HIỀN

Giảng viên Nguyễn Phúc Thị Xuân Tâm còn có nhiều đề tài, sáng kiến phục vụ hiệu quả cho công tác giảng dạy như: Nhận xét tình hình băng huyết sau sinh tại Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa từ 10-1-2002 đến 31-5-2003; nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ y tế hướng tới cộng đồng tại trường Trung học Y tế Khánh Hòa (năm 2004); xây dựng quy trình khám thai - chăm sóc trẻ sơ sinh ngay sau đẻ - tắm trẻ sơ sinh bằng hình ảnh (năm 2005); nhận xét lâm sàng và kết quả điều trị thai chết trong tử cung tại Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ tháng 10-2005 đến tháng 10-2006… Cô cũng tham gia viết nhiều tập bài giảng cho bộ môn và nhà trường.