04:05, 07/05/2010

Cần bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình

Chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một số thay đổi như phương thức tổ chức các hội đồng thi, cấu trúc đề thi, điều kiện phúc khảo…

Chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp (TN) trung học phổ thông (THPT) năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có một số thay đổi như phương thức tổ chức các hội đồng thi, cấu trúc đề thi, điều kiện phúc khảo… theo hướng có lợi cho học sinh (HS), đang được dư luận trong ngành GD và xã hội đồng tình ủng hộ. Ở Khánh Hòa, Sở GD-ĐT cũng đã sớm có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các trường THPT trong toàn tỉnh chủ động triển khai kế hoạch ôn tập nhằm giúp tất cả thí sinh đủ điều kiện dự thi, và nếu thực sự nghiêm túc, cố gắng ôn tập đúng hướng thì đều có thể “qua” được kỳ thi TN THPT!

Tuy có thay đổi về cấu trúc đề thi nhưng điều quan trọng là phạm vi, cách thức ra đề không khác trước vì đề thi vẫn sẽ bám chắc vào trọng tâm chương trình của từng môn học. Bởi vậy, việc hướng dẫn HS ôn tập ở các nhà trường cũng phải nhắm vào mục tiêu chính là giúp HS nắm vững những nội dung cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Nội dung ôn tập vừa phải rải rộng và bao quát cả chương trình đã học, vừa phải bám sát các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đã được quy định trong “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông” đối với từng môn học do Bộ GD-ĐT ban hành. Tùy theo năng lực học tập và mục tiêu đề ra mà việc ôn tập của từng HS cũng khác nhau. Ví dụ, HS yếu chỉ cần bám sát chuẩn là có thể đỗ TN THPT loại… trung bình. Còn đối với HS khá, giỏi, mục tiêu của các em cao hơn nhiều, “đích” chính vẫn là các kỳ thi tuyển sinh đại học nên phải ôn tập, chuẩn bị ở mức cao hơn. Kinh nghiệm cho thấy, với cách ra đề thi rất “căn cơ” như mấy năm qua, ngay cả đối với các môn khoa học xã hội thì HS cũng không thể trông mong vào việc “học tủ”, “học vẹt” để kiếm đủ điểm trung bình. Còn với các đề thi trắc nghiệm có “phổ” bao quát cả chương trình và đòi hỏi kiến thức rộng, nếu HS “học tủ” thì thua là cái chắc! Tất nhiên, đối với các em HS yếu kém, đợi đến lúc cận kề kỳ thi mới tổ chức phụ đạo, hướng dẫn ôn tập thì e rằng đã quá muộn!

Thực tế, việc dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện nay còn khá mới nên nhiều giáo viên vẫn còn lúng túng trong việc tổ chức ôn tập cho HS theo định hướng này. Với nhiều giáo viên, sách giáo khoa vẫn là “pháp lệnh” và cách an toàn nhất là dạy bám theo sách giáo khoa. Điều này càng được củng cố vì những năm qua, một số nội dung đề thi TN THPT và đề thi tuyển sinh lớp 10 còn hiện tượng đi vào các ngõ ngách, các “vùng ven” nên các giáo viên và HS cẩn thận vẫn phải ôm đồm, dù biết như thế là mất thời gian và khó có điều kiện đào sâu các vấn đề trọng tâm, cốt lõi của chương trình để đạt điểm cao trong kỳ thi TN THPT cũng như tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.

Chúng tôi được biết, tài liệu hướng dẫn ôn tập thi TN THPT (do Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp với Vụ Giáo dục Trung học, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục biên soạn) của 8 môn (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) đã về đến Sở GD-ĐT và cũng đã được phát hành xuống tận trường. Có nhiều lý do để chúng ta tin rằng các tài liệu này bao quát được chuẩn kiến thức và kỹ năng của chương trình cũng như giới hạn “phổ” của đề thi ở mức độ cơ bản nhất. Có lẽ, các em cũng nên coi đó là một “kênh” quan trọng trong quá trình ôn tập của mình, vì không lẽ các cơ quan thuộc Bộ GD-ĐT lại “đùa” HS khi nội dung tài liệu ôn tập một nơi mà đề thi TN THPT lại ra một nẻo?

 ĐỖ QUYÊN