Theo báo cáo của Bộ Y tế, thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá còn diễn ra tương đối phổ biến.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) còn diễn ra tương đối phổ biến.
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá còn cao. Kết quả điều tra năm 2010 cho thấy, cả nước có đến 33,3% điểm bán vi phạm quy định về cấm khuyến mại thuốc lá, trong đó tỷ lệ vi phạm ở miền Nam cao nhất, chiếm 56,4%, tiếp theo là miền Trung với 36,1%. Việc vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, bệnh viện, trường học và các địa điểm công cộng khác còn diễn ra phổ biến. Thời gian qua, thực hiện Luật PCTHTL, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra gần 5.700 cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm quy định hơn 1,3 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Công an và qua thống kê tại 55/63 tỉnh, thành phố từ năm 2013 đến 2018, công an các địa phương đã tổ chức và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý hơn 14.000 vụ việc, trong đó xử lý hình sự hơn 1.000 vụ; các vụ vi phạm chủ yếu là nhập lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả. Qua đó, nộp ngân sách nhà nước hơn 170 tỷ đồng tiền phạt; tịch thu, tiêu hủy hơn 43 triệu bao thuốc lá, 20.000kg nguyên liệu thuốc lá và hàng nghìn điếu thuốc; tịch thu 267 phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm về PCTHTL.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, theo Nghị định 117 (ban hành năm 2020) của Chính phủ, đối với công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc. Tuy nhiên, Nghị định 135 (ban hành năm 2021) quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ lại không quy định danh mục cho nội dung về PCTHTL, vì vậy, chưa có cơ sở để triển khai xử phạt nguội. Mặc dù luật có quy định UBND các cấp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức để bố trí lực lượng và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm, kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả; chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chủ trì, tổ chức việc xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm công cộng có quy định cấm thuộc địa bàn quản lý, tuy nhiên, việc bố trí nguồn lực để xử phạt đối với các hành vi trên vẫn còn khó khăn. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan chức năng trong tuyên truyền, xử lý vi phạm pháp luật còn chưa chặt chẽ, đồng bộ; chưa chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhất là với quy định cấm hút thuốc tại địa điểm cấm hút; chưa huy động được sự tham gia của các tổ chức xã hội, nhân dân trong công tác PCTHTL.
Tại hội thảo báo cáo giải pháp PCTHTL được tổ chức vào tháng 7-2022, Bộ Y tế đề xuất tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại ở lĩnh vực thuốc lá, nắm bắt tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá để kịp thời ngăn chặn; tăng cường phối hợp với các nước, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam trong việc phòng, chống tội phạm có liên quan đến thuốc lá. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; đấu tranh có hiệu quả với các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả…, đặc biệt là việc buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu, thuốc lá giả; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tập huấn để nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho lực lượng ở các sở, ban, ngành, mạng lưới cộng tác viên nhằm nâng cao hiệu quả trong việc triển khai, thực hiện.
Đặng Hồng Hoa
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)