Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) đã có những kết quả tích cực. Đặc biệt, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đã có những chuyển biến rõ rệt.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) đã có những kết quả tích cực. Đặc biệt, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đã có những chuyển biến rõ rệt.
Chuyển biến tích cực
Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại các tỉnh, thành phố do Trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện năm 2020 cho thấy, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá trong 5 năm (2015 - 2020) đã có những chuyển biến tích cực. Theo đó, 96% người tin rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi; 81% tin rằng hút thuốc lá gây đột quỵ; 77% tin rằng hút thuốc lá gây đau tim và 72% tin rằng hút thuốc gây ra cả 3 bệnh trên; có 65% người dân đã từng nghe tới Luật PCTHCTL. So với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc từ 45,3% giảm xuống 42,3%. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9% xuống 56%; tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar, cà phê, trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%. Tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% lên 72,2%.
Trong 2 năm 2019-2020, các đơn vị trong cả nước thực hiện nghiêm quy định môi trường không khói thuốc đạt 7.957 trường mẫu giáo, 7.846 trường tiểu học, 4.606 trường THCS, 1.318 trường THPT, 202 trường đại học, cao đẳng; 598 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Cùng với đó, có 4.325 nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong nhà; 377 công ty xe khách thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và trên xe khách; 371 khách sạn, 513 nhà hàng thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong nhà.
Đẩy mạnh các giải pháp
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở nhóm người trẻ tuổi đang có dấu hiệu gia tăng. Theo nghiên cứu về sức khỏe thanh thiếu niên do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở nhóm 13-17 tuổi của Việt Nam chiếm 2,6%. Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 với tỷ lệ là 7,3%, nhóm tuổi 25-44 là 3,2% và nhóm 45-64 tuổi là 1,4%.
Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc; nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ. Đối với thanh thiếu niên, ảnh hưởng của nicotine gây ra cho hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn, vì thế gây hại cho sức khỏe sớm và trầm trọng hơn trong tương lai. Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Với việc xuất hiện tràn lan các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá dạng hút shisha vẫn mua bán, quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đang kiến nghị bổ sung cấm sản phẩm thuốc lá phi truyền thống như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... vào Luật PCTHCTL.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, công tác PCTHCTL phải thường xuyên, lâu dài và cần có những chính sách mạnh mẽ về tăng thuế, xây dựng môi trường không khói thuốc. Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông hiệu quả, cùng với sự can thiệp phù hợp đối với những sản phẩm thuốc lá mới và cấm hoàn toàn các chiêu thức quảng cáo, khuyến mại của ngành công nghiệp thuốc lá... mới có thể tiếp tục giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong 10 năm qua, cùng với cả nước, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp PCTHCTL và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương, công tác tuyên truyền, vận động cần phải liên tục được tăng cường; mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị phải hiểu rõ tác hại của thuốc lá và thực thi nghiêm túc Luật PCTHCTL; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường nhắc nhở, xử phạt các hành vi vi phạm theo quy định. Đồng thời, mỗi cá nhân cần chủ động từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho mình, gia đình và cộng đồng. Mọi thông tin tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá liên hệ với tổng đài miễn phí 1800-6606.
C.ĐAN