10:09, 13/09/2022

Thực hiện nghiêm quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc

Để tăng cường thực hiện môi trường không khói thuốc, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá nêu nguyên tắc: Bảo đảm quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá.

Để tăng cường thực hiện môi trường không khói thuốc, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) nêu nguyên tắc: Bảo đảm quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá.


Luật PCTHTL quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong PCTHTL, các địa điểm cấm hút thuốc, quyền, nghĩa vụ của công dân trong PCTHTL; nghĩa vụ của người hút thuốc; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá.

 

Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Vĩnh treo bảng thông báo cấm hút thuốc lá để mọi người cùng chấp hành.

Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Vĩnh treo bảng thông báo cấm hút thuốc lá để mọi người cùng chấp hành.


Từ năm 2015, Quỹ PCTHTL đã áp dụng thí điểm bộ tài liệu hướng dẫn các bước xây dựng môi trường không thuốc lá tại các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở áp dụng thành công tài liệu thí điểm, năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành bộ tài liệu hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc tại các địa điểm công cộng (nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, trên phương tiện giao thông công cộng, các địa điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng...). Bộ tài liệu này giúp các cơ quan, đơn vị và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện thống nhất các bước nhằm xây dựng môi trường không khói thuốc theo đúng quy định của Luật PCTHTL. Trên cơ sở tài liệu hướng dẫn, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức thực hiện quy định về môi trường không khói thuốc với nhiều hoạt động thiết thực.


Các đơn vị, cơ quan từ cấp tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố đều thành lập ban chỉ đạo về PCTHTL và ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện môi trường không khói thuốc; đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào nội quy, quy chế nội bộ, văn hóa công sở. Nhiều đơn vị thực hiện nghiêm túc và tổ chức ký cam kết đối với từng cán bộ, công chức, viên chức không hút thuốc lá tại nơi làm việc, đưa việc không hút thuốc lá vào chỉ tiêu thi đua xếp loại cuối năm, công tác thi đua khen thưởng; treo biển cấm hút thuốc lá tại phòng làm việc, phòng họp, hành lang, khu vực công cộng, hầm để xe của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, treo, dán các khẩu hiệu tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, biển báo “Cấm hút thuốc” tại những nơi quy định theo luật; phổ biến về phương pháp cai nghiện thuốc lá; mức xử phạt các hành vi vi phạm về hút thuốc lá không đúng nơi quy định; cấm bán thuốc lá trong căng tin của đơn vị.


Ngành Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông, trong đó nội dung giáo dục về PCTHTL được tích hợp, lồng ghép trong một số môn học ở cấp THCS, THPT; ban hành điều lệ trường THCS, THPT, trong đó quy định cụ thể về việc cấm sử dụng thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, nung nóng, shisha…) đối với cán bộ, giáo viên và học sinh trong các hoạt động giáo dục. Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa tiêu chí không hút thuốc lá vào hệ thống các tiêu chí công nhận gia đình văn hóa, thôn, làng, ấp, bản văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa để áp dụng trong toàn quốc, gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. 100% liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố và công đoàn ngành đã thành lập ban chỉ đạo PCTHTL, 87% số công đoàn cơ sở xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc với hơn 4 triệu lượt đoàn viên, người lao động được tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Trung ương Đoàn phát huy vai trò qua tổ chức chiến dịch cuộc thi online với thông điệp “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”. Cuộc thi thu hút các bạn trẻ tham gia bằng hình thức quay những đoạn clip ngắn trình diễn hành động hoặc điệu nhảy tuyên truyền sáng tạo về PCTHTL và đăng tải công khai trên mạng xã hội tiktok.


Các báo cáo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành qua các năm 2010, 2015, 2020 cho thấy giảm đáng kể. So với năm 2010, thì năm 2015, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% xuống 45,3%. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm ở hầu hết các địa điểm như: Tại gia đình từ 73,1% giảm xuống còn 59,9%; tại nơi làm việc từ 55,9% giảm còn 42,6%; tại các trường đại học, cao đẳng từ 54,3% giảm còn 37,9%; trên phương tiện giao thông công cộng từ 34,4% giảm còn 19,4%; tại trường học từ 22,3% giảm còn 16,1%; tại cơ sở y tế từ 23,6% giảm còn 18,4%. So với năm 2015, thì năm 2020 tỷ lệ nam giới hút thuốc lá giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Tỷ lệ người hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9% xuống 56%; tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar, cà phê, trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%.


Đặng Hồng Hoa
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)