11:11, 27/11/2020

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Với số ca mắc liên tục tăng cao từ đầu tháng 9 đến nay, sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Tuy ngành Y tế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống nhưng số ca mắc trong những tuần gần đây chưa có dấu hiệu giảm.

Với số ca mắc liên tục tăng cao từ đầu tháng 9 đến nay, sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Tuy ngành Y tế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống nhưng số ca mắc trong những tuần gần đây chưa có dấu hiệu giảm.

 
Hơn 9.100 ca mắc, 2 trường hợp tử vong


Từ đầu năm đến nay, hơn 9.100 ca mắc SXH; 447 ổ dịch đã được phát hiện, xử lý; hàng trăm ca nặng và rất nặng phải nhập viện điều trị. Những con số trên cho thấy diễn biến phức tạp của SXH trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Sở Y tế, số ca mắc SXH tăng cao từ tháng 9 ở các địa phương trong tỉnh, đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nếu quý II, toàn tỉnh ghi nhận 255 - 700 ca/tháng, thì từ tháng 9 đến nay, số ca mắc tăng gần gấp 3 lần, với hơn 1.900 ca/tháng. Đáng lo ngại hơn, toàn tỉnh đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong (ở TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh) do SXH.

 

Kiểm tra sốt xuất huyết ở nhà dân huyện Cam Lâm.

Kiểm tra sốt xuất huyết ở nhà dân huyện Cam Lâm.


Trong 1 tháng, gia đình ông Phan Giót - thôn Ninh An (xã Diên An, huyện Diên Khánh) được cán bộ y tế tới nhà tuyên truyền, nhắc nhở đến 3 lần về việc dọn dẹp vệ sinh, vật dụng chứa nước trong nhà để phòng, chống SXH. Thế nhưng, mới đây, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh ở người cấp tỉnh đến kiểm tra, nhiều dụng cụ chứa nước trong nhà ông Giót vẫn có lăng quăng. Lý do được ông Giót đưa ra là quên không thực hiện các biện pháp phòng dịch đã được hướng dẫn trước đó.


Còn chủ quan, lơ là


Từ tháng 10 đến nay, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh ở người cấp tỉnh đã tiến hành kiểm tra thực tế công tác phòng, chống SXH tại cộng đồng. Qua kiểm tra gần 100 hộ gia đình ở 3 địa phương có số ca mắc SXH cao: TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa, kết quả, hơn 70% số hộ gia đình được kiểm tra đều ghi nhận các dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Điều này cho thấy, người dân còn chủ quan, lơ là với SXH. Bác sĩ Phạm Tấn Đức - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh cho biết: “Tuy ngành Y tế đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tới tận nhà người dân hướng dẫn cách diệt lăng quăng nhưng dù hiểu cách phòng bệnh, nhiều người vẫn không làm theo, còn rất chủ quan, ỷ lại vào ngành Y tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến SXH ở địa phương đến nay vẫn chưa khống chế được.”


Tại các khu vực công cộng, công trình xây dựng, khu lán trại công nhân…, qua các đợt kiểm tra đều ghi nhận chỉ số muỗi, mật độ lăng quăng cao vượt ngưỡng cho phép. Tuy chính quyền địa phương, ngành Y tế đã nhiều lần nhắc nhở, xử lý môi trường phòng dịch, nhưng hầu như các công trình xây dựng đều không tuân thủ và lơ là trong công tác phòng dịch.


Tập trung diệt lăng quăng


Hiện nay, ngành Y tế tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn sự gia tăng của các ca bệnh, trong đó chú trọng tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng dịch SXH; phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ ở các địa phương thực hiện các đợt ra quân diệt lăng quăng chủ động. Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Với tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp, ngành Y tế tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch chủ động; hoạt động chính vẫn là tập trung diệt lăng quăng. Đối với hoạt động này, trung tâm đã chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện thường xuyên hàng tuần, tháng tùy theo tình hình SXH ở địa phương. Hàng tháng, trung tâm sẽ đi kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình. Những nơi có chỉ số muỗi và lăng quăng cao, trung tâm sẽ tăng cường lực lượng dập dịch ngay. Tuy nhiên, để khống chế được dịch bệnh, người dân cần chủ động phòng dịch ngay trong chính ngôi nhà của mình”.


Theo các chuyên gia y tế, chu kỳ SXH sẽ tăng cao 5 năm 1 lần, bởi vậy, năm nay có thể sẽ là đỉnh dịch của SXH. Dự báo, thời điểm sắp tới SXH sẽ còn diễn biến phức tạp hơn. Vì thế, người dân cần chủ động phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt công tác phòng dịch. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là diệt lăng quăng để muỗi gây bệnh không sinh sôi phát triển.


CÁT ĐAN