09:01, 06/01/2020

Chủ động phòng, chống bệnh cúm

Thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc bệnh cúm, nhất là cúm A có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt, khu vực miền Bắc và Tây Nguyên ghi nhận một số ca đã tử vong. Tại Khánh Hòa, dù chưa ghi nhận ca bệnh cúm nặng, ngành chức năng vẫn tăng cường công tác dự phòng, đảm bảo không để bệnh cúm bùng phát thành dịch.

Thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc bệnh cúm, nhất là cúm A có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt, khu vực miền Bắc và Tây Nguyên ghi nhận một số ca đã tử vong. Tại Khánh Hòa, dù chưa ghi nhận ca bệnh cúm nặng, ngành chức năng vẫn tăng cường công tác dự phòng, đảm bảo không để bệnh cúm bùng phát thành dịch.


Năm 2019, cả nước ghi nhận hơn 408.900 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong. Cuối năm 2019, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và cúm nói riêng. Bộ Y tế cảnh báo, thời gian tới, số ca mắc cúm còn tiếp tục tăng, nhất là trong mùa đông xuân và dịp Tết Nguyên đán, lễ hội tập trung đông người. 

 

Bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh khám cho bệnh nhân. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh khám cho bệnh nhân. (Ảnh minh họa)

   
Tại Khánh Hòa, mỗi năm ghi nhận từ 40.000 đến 60.000 ca nhiễm cúm. Do là căn bệnh thường gặp nên nhiều người vẫn có tâm lý chủ quan, tự ý mua thuốc về nhà uống, gây khó khăn cho việc điều trị. Ông Cao Xuân Hiểu (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) cho biết: “Tôi lớn tuổi rồi nên hay mắc bệnh. Mỗi khi thấy trong người mệt, cảm cúm, nhảy mũi, nhức mỏi, tôi lại đến quầy thuốc tây mua thuốc uống, khi nặng mới đến phòng khám đa khoa lấy thuốc”. Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp. Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.


Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh cúm nói chung và cúm A nói riêng. Đồng thời, hướng dẫn người dân những cách phòng, chống dịch bệnh như: che miệng khi ho, hắt hơi; có các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe mỗi khi ra đường. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang dự trữ khoảng 2.500 viên thuốc tamiflu dùng trong điều trị cúm, đảm bảo cung ứng kịp thời số lượng thuốc điều trị cho các cơ sở y tế khi cần thiết. Các bệnh viện trong tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các loại máy móc thiết bị trong điều trị cúm. Đồng thời, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng tránh lây lan trong bệnh viện cũng như các địa điểm công cộng như: sân bay, bến xe, ga tàu… cũng đã triển khai.


Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh chưa phát hiện ca nhiễm cúm nặng. Tuy nhiên, Khánh Hòa là địa phương có nguy cơ cao, vì là trung tâm du lịch của cả nước. Bởi vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã thành lập các đội dự phòng phát hiện sớm dịch bệnh, chú trọng xử lý vệ sinh môi trường, hạn chế nguồn lây trong cộng đồng. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh trong công tác phát hiện sớm ca bệnh ở các nhà ga, sân bay quốc tế để cách ly kịp thời nếu có”.


Hiện nay là thời điểm mùa đông xuân, khí hậu khô lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển. Bởi vậy, bên cạnh sự vào cuộc của ngành Y tế, người dân cũng cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Đặc biệt, lưu ý các đối tượng có nguy cơ cao như: trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người có tiền sử về bệnh mạn tính… Ngoài ra, người dân có thể phòng cúm A bằng cách tiêm vắc xin - đây là cách phòng bệnh hữu hiệu với tỷ lệ bảo vệ lên đến 80%. Thống kê tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 1 tháng trở lại đây, số lượng người đến tiêm vắc xin phòng cúm tăng gấp 1,5 lần so với những tháng trước đó.


C.Đan