Rối loạn tâm thần có tỷ lệ mắc khoảng 3/100 người, xảy ra ở các tầng lớp xã hội. Những người trẻ mắc các rối loạn tâm thần giai đoạn đầu, sau chẩn đoán nếu không được quan tâm và điều trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong rất cao.
Rối loạn tâm thần có tỷ lệ mắc khoảng 3/100 người, xảy ra ở các tầng lớp xã hội. Những người trẻ mắc các rối loạn tâm thần giai đoạn đầu, sau chẩn đoán nếu không được quan tâm và điều trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong rất cao.
Theo Thạc sĩ Đặng Duy Thanh - Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh, rối loạn tâm thần là tình trạng bất thường của tâm trí. Người mắc bệnh lý này khó phân biệt giữa những gì là thật và những gì là không thật trong cuộc sống. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tự sát là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 5. Hầu hết những người tự sát là do bệnh lý tâm thần, đặc biệt cao ở những người trẻ.
Thực tế cho thấy, lo âu quá mức sẽ ảnh hưởng đến các các mặt xã hội, công việc, học tập, giao tiếp của người bệnh. Lo âu ở mức độ nhẹ và vừa ít biểu hiện hành vi bên ngoài nên ít được chú ý đến; việc đối phó với căng thẳng tâm lý và sự chủ động tìm sự trợ giúp dịch vụ chăm sóc hỗ trợ tâm thần của người dân hiện nay còn nhiều hạn chế. Nhiều bậc phụ huynh có con trong độ tuổi thanh thiếu niên thường cho rằng những thay đổi bất thường trong tính cách, hành vi của con chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường, khi cơ thể bắt đầu dậy thì. Trong khi, những biến đổi tiêu cực trên có thể sẽ là sự bắt đầu cho chứng bệnh trầm cảm vô cùng nguy hiểm. Nguyên nhân phần nhiều là do những áp lực trong việc học hành và hoàn cảnh gia đình, do bản thân các em hoặc người thân tạo ra.
Nghiện game, lạm dụng chất kích thích cũng là một trong những nguyên nhân gây nên chứng trầm cảm ở tuổi thiếu niên. Nặng nề hơn nữa là sức ép của cha mẹ đối với con cái trong việc học hành làm các em dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, không kiểm soát được lý trí, suy nghĩ của mình. Gia đình thiếu hạnh phúc cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chứng trầm cảm cho con cái. Biểu hiện thường gặp nhất là các em dễ nóng nảy, bực tức một cách vô cớ, không cảm thấy hứng thú với bất cứ chuyện gì, ngay cả những việc mình yêu thích trước đây (như: chơi thể thao, nghe nhạc...); thỉnh thoảng lại rơi vào trạng thái vô thức trong thời gian ngắn. Ngoài ra, còn có các dấu hiệu buồn rầu hoặc mệt mỏi thường xuyên, chỉ muốn ngồi yên một chỗ, không thích hoạt động thể chất hay tiếp xúc với bất cứ ai, mất niềm tin vào cuộc sống... Có nhiều loại bệnh lý rối loạn tâm thần như: tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách...
Đối với những người trải qua giai đoạn đầu của rối loạn tâm thần thường rất đáng sợ, khó hiểu và gây phiền toái cho cả người bệnh và người thân của họ. Đôi khi sự thiếu hiểu biết cùng với những suy nghĩ tiêu cực và quan niệm sai lầm của người nhà bệnh nhân liên quan đến bệnh rối loạn tâm thần có thể làm tăng thêm sự đau khổ, nhiều gia đình giấu kín, không đưa đến các cơ sở điều trị dẫn đến cái chết cho người bệnh. Trong khi ở giai đoạn đầu nếu được điều trị sớm, đúng chuyên khoa, bệnh nhân có thể hồi phục và không bao giờ trải qua một cơn bệnh tâm thần nào khác.
Một cuộc nghiên cứu do Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia và Viện Y tế Quốc gia Mỹ mới đây cho thấy, khi phân tích dữ liệu khoảng 5.000 người trong độ tuổi 16 - 30 đã được chẩn đoán rối loạn tâm thần. Trong vòng 12 tháng đầu sau chẩn đoán, những người có tỷ lệ theo dõi của các bác sĩ thấp, hạn chế trong việc dùng thuốc chống loạn thần và điều trị tâm lý, nhóm này có tỷ lệ tử vong cao hơn 24 lần so với những người cùng độ tuổi.
Bác sĩ Thanh khuyến cáo “Khi thấy người thân có biểu hiện bất thường trong cuộc sống, sinh hoạt, công việc, cảm xúc, hành vi, tư duy, tri giác... cần đưa họ đi khám và và điều trị kịp thời; không nên né tránh, ngại ngùng hoặc che giấu bệnh; không nên đi cúng, đi lễ... Vì nếu không được điều trị, chứng rối loạn tâm thần sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, tâm thần và chất lượng sống của người bệnh và gia đình”.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh)