Bệnh đại tràng là một bệnh thường gặp ở đường tiêu hóa. Nhưng hiện nay, nhiều người vẫn có quan niệm chưa đúng về bệnh, khi có dấu hiệu mắc bệnh lại ngại đi khám, khi bệnh nặng mới vào viện dẫn đến việc điều trị rất khó khăn.
Bệnh đại tràng là một bệnh thường gặp ở đường tiêu hóa. Nhưng hiện nay, nhiều người vẫn có quan niệm chưa đúng về bệnh, khi có dấu hiệu mắc bệnh lại ngại đi khám, khi bệnh nặng mới vào viện dẫn đến việc điều trị rất khó khăn.
Bác sĩ Cao Việt Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, không phải bệnh đại tràng nào cũng giống nhau, những loại bệnh đại tràng không có tổn thương niêm mạc sẽ ít có nguy cơ trở thành ung thư, còn loại bệnh đại tràng có tổn thương niêm mạc hoặc polyp, nếu không phát hiện và xử lý sớm dễ dẫn tới viêm đại tràng mãn tính, lâu dần có thể tiến triển thành ung thư.
Có nhiều loại bệnh đại tràng, cụ thể, bệnh đại tràng chức năng hay gọi là đại tràng mãn tính, không gây tổn thương niêm mạc đại tràng, thường gặp ở người trẻ. Bệnh nhân chỉ có triệu chứng như: đau bụng, rối loạn tiêu hóa, khi táo bón, lúc đi lỏng… Thực hiện soi đại tràng thấy bình thường. Bệnh này gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cũng như trong sinh hoạt nhưng không gây nguy hiểm đến tính mạng. Có khoảng 10 - 20% dân số gặp bệnh lý này. Nguyên nhân do môi trường sống, thực phẩm, cơ địa của người bệnh và stress. Loại thứ hai là bệnh đại tràng có tổn thương thực thể trên niêm mạc. Theo thống kê, những người mắc bệnh này sau khoảng 8 - 10 năm có trường hợp từ những tế bào lành tính sẽ tiến triển chuyển thành tế bào ác tính, sinh ra tổn thương gọi là ung thư.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, những người từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ bị bệnh đại tràng cao hơn nhiều so với những người trẻ, nên cần đi tầm soát bệnh đại tràng định kỳ. Ngoài ra, những người có yếu tố nguy cơ cao như: có bố mẹ hoặc anh em ruột bị ung thư đại tràng, hay những người có tiền sử polyp đại tràng, hoặc mắc bệnh đại tràng mạn tính… cần đi khám bệnh đại tràng định kỳ. Nếu phát hiện ung thư đại tràng giai đoạn sớm, khả năng chữa trị đạt kết quả rất cao, bác sĩ có thể giữ nguyên đại tràng cho người bệnh. Nếu một người 50 tuổi không có yếu tố nguy cơ, khi soi đại tràng thấy bình thường thì sau 10 năm mới cần tầm soát lại bệnh đại tràng.
Triệu chứng sớm của ung thư đại tràng là xuất hiện lượng máu nhỏ trong phân. Đôi khi máu quá ít phải làm xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân. Khi khối u đã lớn, các triệu chứng khác có thể xuất hiện như: thay đổi thói quen đại tiện, táo bón tiêu chảy xen kẽ, thiếu máu không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, đau bụng, sút cân không rõ nguyên nhân…
Theo các nghiên cứu, ung thư đại tràng xuất hiện nhiều ở người ăn nhiều thịt đỏ, thịt có chất bảo quản, người béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu. Những người ít vận động thể lực tỷ lệ mắc bệnh cao hơn những người hay tập thể dục thể thao. Nhóm người ăn nhiều rau và chất xơ, ăn uống hợp vệ sinh cũng ít mắc bệnh hơn. Cần lưu ý không nên để táo bón kéo dài, có thể bổ sung thực phẩm có vi khuẩn có lợi cho sức khỏe như sữa chua, giúp hệ vi sinh vật gồm các vi khuẩn và nấm men tồn tại trong hệ tiêu hóa, trong đó có đại tràng. Việc mất cân bằng hệ vi sinh vật có lợi sẽ khiến người bệnh gặp vấn đề tiêu chảy, nhất là ở những người dùng thuốc kháng sinh.
Theo lời khuyên của các bác sĩ, để bảo vệ sức khỏe, phòng ung thư đại tràng cần tuân thủ bữa ăn lành mạnh, cân đối giữa các nhóm thực phẩm như: đường bột, đạm, rau xanh. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo 1 người trưởng thành cần ăn tối thiểu 400g rau xanh một ngày bởi thiếu chất xơ là một trong những nguyên nhân gây ung thư đại tràng. Cần tăng cường từ 100 - 300g quả chín, gạo không nên vò xát kỹ. Ngoài ra, bổ sung cá, đậu đỗ, giảm ăn thịt đỏ, chọn các chế phẩm sữa cung cấp vi khuẩn có ích cho đường ruột giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn, có lối sống lành mạnh, tăng cường thể dục, hạn chế rượu bia…
Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông GDSK Khánh Hòa)