Với tình hình bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên toàn tỉnh đều tăng, đặc biệt là bệnh tay chân miệng, chủ yếu xuất hiện ở bệnh nhi dưới 6 tuổi, ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp tuyên truyền, tích cực chỉ đạo phòng, chống bệnh trong trường học.
Với tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng trên toàn tỉnh Khánh Hòa đều tăng, đặc biệt là bệnh tay chân miệng, chủ yếu xuất hiện ở bệnh nhi dưới 6 tuổi, ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chủ động phối hợp tuyên truyền, tích cực chỉ đạo phòng, chống bệnh trong trường học.
Số ca bệnh tăng nhanh
Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ ngày 8 đến 14-10, toàn tỉnh ghi nhận 270 ca tay chân miệng mắc mới, tăng 56 ca so với tuần trước đó và tăng gấp 2,7 lần so với cùng thời gian này năm 2017. Trong 2 tháng 8, 9 và 10 ngày đầu tháng 10, riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh đã tiếp nhận 578 ca, trong đó 41 ca mắc bệnh tay chân miệng ở mức độ nặng và 7 ca rất nặng đang được điều trị tích cực. Tất cả đều là những bệnh nhi dưới 6 tuổi. Tính ra, cả 8/8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có số ca mắc mới tăng. TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa có số ca mắc tăng cao. Nhìn chung, diễn biến bệnh tay chân miệng đang khá phức tạp.
Đối với bệnh SXH, từ ngày 8 đến 14-10, toàn tỉnh ghi nhận 214 ca mắc mới, tăng 62 ca so với tuần trước đó; tăng 158% so với cùng thời gian này của năm 2017. Số ca mắc mới tại Nha Trang đang tiếp tục tăng; tiếp đó là Diên Khánh và Cam Lâm. Cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 9 ổ dịch ở Nha Trang; 5 ổ dịch ở Cam Lâm và 5 ổ dịch ở Diên Khánh.
Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, qua khảo sát sơ bộ cho thấy, có hiện tượng học sinh mắc bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục, tuy nhiên cho đến nay, số ca bệnh đều nằm rải rác, chưa tập trung thành ổ dịch ở một trường học nào.
Tăng cường phối hợp
Với tình hình nói trên, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương. Ngành cũng chỉ đạo các đơn vị xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch và các ca tản phát; tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao ý thức phòng, chống bệnh cho người dân, đặc biệt chú ý đến các điểm trường mầm non và nhóm trẻ gia đình. Tuần qua, Trung tâm Y tế dự phòng đã phun hóa chất diệt muỗi cho 1.230 hộ. Công tác diệt lăng quăng; khử khuẩn bề mặt tại hộ gia đình, trường học; truyền thông, tập huấn phòng, chống dịch; giám sát xử lý dịch, diệt lăng quăng cũng được tích cực triển khai tại các địa phương.
Ngành GD-ĐT cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện những khuyến cáo, tuân thủ nghiêm ngặt quy định của ngành Y tế; tăng cường nhắc nhở, phát hiện ca bệnh để báo ngay cho các cơ sở y tế. Các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt ở 3 địa phương có số ca mắc tay chân miệng cao, cần chú ý giữ vệ sinh các dụng cụ, đồ chơi; nhắc nhở các em rửa tay thường xuyên. Sở GD-ĐT đã yêu cầu Phòng Giáo dục Mầm non tăng cường giám sát để kịp thời chỉ đạo xử lý tại các nơi phát sinh nhiều ca bệnh. Sở cũng yêu cầu các phòng giáo dục gửi đầy đủ văn bản hướng dẫn cho các trường ngoài công lập, các nhóm trẻ.
Tại Nha Trang, bên cạnh tuyên truyền tích cực, Phòng GD-ĐT cũng đang tăng cường kiểm tra ở các cơ sở mầm non. Còn ông Lê Quang Thạch - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Ninh Hòa cho biết, phòng đã chủ động chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường khâu vệ sinh cho các em, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở của mình và báo cáo kịp thời về phòng khi có diễn biến phức tạp.
Ông Lê Đình Thuần nhấn mạnh: “Theo thông tin của ngành Y tế, tình hình bệnh truyền nhiễm xuất hiện chủ yếu ở trẻ em dưới 6 tuổi và còn diễn biến phức tạp. Do đó, chúng tôi kêu gọi sự chung tay của phụ huynh học sinh và cả cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch”.
T.MAI - T.LY
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo: đối với bệnh SXH, cần chú ý một số địa bàn: Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Vĩnh Hòa, Phước Đồng, Vĩnh Phương (Nha Trang); Diên Đồng (Diên Khánh); Khánh Bình (Khánh Vĩnh), Cam Nghĩa (Cam Ranh); Cam Hải Đông, Cam Thành Bắc, Cam Hòa (Cam Lâm); Đại Lãnh, Vạn Giã (Vạn Ninh).
Đối với bệnh tay chân miệng, cần chú ý các xã, phường: Phước Long, Vĩnh Hải, Vĩnh Thạnh (Nha Trang); thị trấn Diên Khánh, Diên Điền, Diên Thọ (Diên Khánh); Sơn Lâm, Tô Hạp, Sơn Bình (Khánh Sơn); Cam Đức, Cam Hòa (Cam Lâm); Cam Linh (Cam Ranh); Vạn Long, Đại Lãnh (Vạn Ninh).