So với cùng kỳ năm trước, năm nay, các bệnh dịch nguy hiểm nhóm A như: tả, nhiễm não mô cầu, dịch hạch… không xảy ra. Một số bệnh như: tay chân miệng, quai bị, viêm não Nhật Bản… có dấu hiệu gia tăng.
So với cùng kỳ năm trước, năm nay, các bệnh dịch nguy hiểm nhóm A như: tả, nhiễm não mô cầu, dịch hạch… không xảy ra. Một số bệnh như: tay chân miệng, quai bị, viêm não Nhật Bản… có dấu hiệu gia tăng.
Một số bệnh gia tăng
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 430 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ, hầu hết là các ca tản phát, không hình thành ổ dịch. Những địa phương có số ca mắc cao gồm: Nha Trang, Diên Khánh, Khánh Sơn. So với diễn biến bệnh năm ngoái, năm nay, số ca mắc tăng cao trong những tháng đầu năm và giảm dần những tháng giữa năm. Tỷ lệ mắc bệnh giữa trẻ đi học và trẻ đang ở nhà tương đương nhau, thậm chí cả trẻ sơ sinh cũng mắc bệnh. Do đó, nguồn lây được nhận định là do người lớn mang mầm bệnh từ ngoài cộng đồng về lây cho trẻ hoặc trẻ tham gia vui chơi tại những nơi công cộng. Theo nhận định của ngành Y tế, hiện nay, đang vào mùa khô, nước dùng thiếu, người dân ở một số nơi, nhất là khu vực miền núi chưa thực hiện nghiêm biện pháp phòng bệnh nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng trong thời gian tới, nhất là khi bước vào năm học mới.
Tháng 5, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 ca mắc viêm não Nhật Bản, một ca 8 tuổi và ca 16 tuổi. Đây là bệnh dịch nguy hiểm, diễn biến bệnh bất thường, tỷ lệ tử vong, để lại di chứng thần kinh (bại não, đần độn, động kinh, liệt, phát triển chậm về thể chất...) rất cao. Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: “2 bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng: sốt cao nhiều ngày, nói sảng, nhức đầu, nôn ói... 2 ca bệnh này đều có tiền sử chưa tiêm ngừa vắc xin viêm não Nhật Bản. Trong khi đó, bệnh không có thuốc đặc trị. Vì thế, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là phòng ngừa muỗi đốt và tiêm vắc xin. Tiêm ngừa viêm não phải tiêm đủ 3 mũi lúc trẻ 1 tuổi, sau 2 tuần tiếp theo và nhắc lại sau 5 năm mới đạt hiệu quả cao nhất”.
Cùng với 2 bệnh dịch trên, bệnh quai bị cũng tăng đột biến với hơn 540 ca, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Đặc điểm chung của các ca quai bị năm nay là lứa tuổi mắc có cả người lớn và trẻ em, những bệnh nhân này đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Do bệnh lây lan qua đường hô hấp nhưng việc cách ly tại hộ gia đình gặp khó khăn nên bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng dẫn đến số ca mắc tăng cao.
Riêng đối với các bệnh nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, bệnh thủy đậu giảm 12,38%; cúm mùa giảm 31,37%; lỵ trực trùng giảm 35,91%; tiêu chảy giảm 19,03%; sốt mò giảm 4%. Đặc biệt, không phát hiện bệnh sởi, rubella. Các bệnh dịch nguy hiểm nhóm A, bệnh mới nổi không xảy ra. Bệnh do vi rút ZiKa ghi nhận 1 ca mắc qua hệ thống tầm soát phát hiện sớm do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện.
Triển khai các biện pháp phòng dịch bệnh
Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế: Từ nay đến cuối năm, ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang giám sát những ca nghi nhiễm vi rút Zika tại các phòng khám; chỉ đạo các đơn vị y tế trên toàn tỉnh tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là những bệnh dịch trọng điểm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng; yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra, giám sát hỗ trợ công tác này cho các huyện. Cùng với đó, ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo triển khai chiến dịch học sinh diệt lăng quăng tại hộ gia đình; phối hợp với Tỉnh đoàn về phòng, chống dịch bệnh phổ biến. |
Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, ngay sau khi phát hiện 2 ca viêm não Nhật Bản, trung tâm đã phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang, Đội Y tế dự phòng TP. Nha Trang triển khai giám sát, điều tra, xử lý dịch, tiến hành phun hóa chất; yêu cầu các đơn vị đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng viêm não Nhật Bản đạt hơn 95% và khuyến cáo mở rộng đối tượng tiêm cho những vùng nguy cơ cao.
Đối với địa phương có số ca mắc tay chân miệng cao, từ đầu năm, ngành Y tế đã phối hợp với chính quyền giám sát, xử lý ổ dịch triệt để kết hợp tuyên truyền các biện pháp phòng dịch tại cộng đồng và các trường mầm non. Trung tâm Y tế tỉnh và các huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật lại các quy trình về chẩn đoán, điều trị các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, hướng dẫn cách phòng bệnh, kỹ thuật phun hóa chất cho cán bộ y tế cơ sở, đội phun, cán bộ giám sát phun... Đồng thời, thành lập các đội phun chuyên trực thuộc các đội y tế dự phòng, củng cố lại các đội phòng, chống dịch cơ động. Ngành Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, khuyến nghị người dân tiêm phòng nếu có điều kiện...
Theo lãnh đạo của nhiều trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, khó khăn hiện nay trong công tác phòng, chống dịch bệnh là ý thức chủ động phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika trong một bộ phận dân cư chưa cao, nhiều hộ chưa hợp tác với ngành Y tế trong việc diệt lăng quăng, đóng cửa khi có xe phun hóa chất; các điều kiện thực hiện vệ sinh môi trường phòng bệnh tay chân miệng ở một số nơi, nhất là ở miền núi còn thấp nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Một số người còn chủ quan chưa đi tiêm phòng để phòng các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp như: quai bị, thủy đậu, cúm; một số trường hợp không xác minh được ca bệnh do địa chỉ bệnh nhân không chính xác, bệnh nhân là công nhân, người dân di biến động, tạm trú nhiều nơi không có địa chỉ cố định... “Người dân nên chủ động phòng bệnh bằng cách vệ sinh sạch sẽ nơi sinh sống và phải hợp tác tốt với ngành Y tế trong công tác này. Có như thế công tác phòng, chống dịch bệnh mới đạt hiệu quả cao”, bác sĩ Dõng nói.
Cát Đan