01:10, 03/10/2012

Đạt được “3 giảm”

Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, công tác phòng, chống (PC) HIV/AIDS của tỉnh Khánh Hòa đã đạt nhiều kết quả tích cực khi số người nhiễm mới, trường hợp chuyển qua AIDS và tử vong do AIDS đều giảm.

Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, công tác phòng, chống (PC) HIV/AIDS của tỉnh Khánh Hòa đã đạt nhiều kết quả tích cực khi số người nhiễm mới, trường hợp chuyển qua AIDS và tử vong do AIDS đều giảm. Khánh Hòa cũng đã ra khỏi danh sách 10 tỉnh, thành phố có số người nhiễm HIV cao trong cả nước.

Những thành tựu

Sau trường hợp phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên ở Khánh Hòa (4-1993), dịch HIV/AIDS nhanh chóng lan ra cộng đồng, tập trung hầu hết trong nhóm tuổi thanh niên. Sau vài năm, Khánh Hòa trở thành 1 trong 10 tỉnh, thành phố của cả nước có số người nhiễm HIV nhiều nhất. UBND tỉnh đã sớm triển khai công tác phòng, chống (PC) dịch HIV/AIDS, tuy nhiên vẫn chưa hiệu quả. Từ năm 2004, cùng với sự ra đời của Chiến lược quốc gia PC HIV/AIDS và Chỉ thị số 54 của Ban Bí thư, chương trình PC HIV/AIDS của tỉnh được đẩy mạnh hơn thông qua các hoạt động cụ thể như: Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cơ quan cấp tỉnh; các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội phối hợp chặt chẽ hơn trong việc xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS; đưa mục tiêu PC HIV/AIDS vào chương trình phát triển kinh tế của từng địa phương; hình thành cơ sở chuyên trách PC HIV/AIDS các tuyến (Khánh Hòa là tỉnh đầu tiên thành lập Trung tâm PC HIV/AIDS)... Nhờ đó, các chương trình PC HIV/AIDS được triển khai sâu rộng và đồng bộ, thể hiện rõ nhất là chương trình thông tin, giáo dục truyền thông thay đổi hành vi. Chương trình được đa dạng hóa với nhiều hình thức tuyên truyền như: truyền thông đại chúng phối hợp với truyền thông trực tiếp; lồng ghép các chương trình, dự án vào hệ thống PC HIV/AIDS, phong trào quần chúng... Qua đó, nhận thức về HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm ở người dân được nâng lên; sự kỳ thị, tự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS giảm đáng kể; số người tình nguyện tham gia PC HIV/AIDS ngày càng nhiều. Đi đôi với công tác truyền thông, các chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội. Chương trình phát bơm kim tiêm sạch và bao cao su được triển khai ở các huyện, thị xã, thành phố với hơn 2/3 số xã, phường tham gia. Hàng năm, có khoảng 600.000 bơm kim tiêm sạch và 2 triệu bao cao su được cấp phát miễn phí. Chương trình tư vấn HIV được phủ tới tất cả các xã, phường; đã thực hiện tư vấn, xét nghiệm HIV cho hàng chục ngàn người. Công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân AIDS được triển khai khá sớm (từ 8-2005) và đang tiếp tục được củng cố, mở rộng, ngày càng nâng cao về chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 340 bệnh nhân AIDS đang được điều trị ARV (trong đó có 20 trẻ em), 29 trẻ phơi nhiễm với HIV được chẩn đoán sớm bằng kỹ thuật khuyếch đại gien...

Còn nhiều thách thức

  Tư vấn, xét nghiệm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

 Tư vấn, xét nghiệm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Bác sĩ Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm PC HIV/AIDS tỉnh cho biết, hiện nay, công tác PC HIV/AIDS của tỉnh vẫn còn nhiều thách thức. Những năm qua, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Khánh Hòa ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, nhiều loại hình vui chơi, giải trí đã ra đời. Nhưng bên cạnh đó, cũng phát sinh những tệ nạn xã hội liên quan đến tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng, rất khó kiểm soát (như: ma túy, mại dâm...). Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn là rào cản khiến nhiều người nhiễm lẩn trốn, không dám công khai danh tính, dẫn đến không được điều trị AIDS. Đây là nguyên nhân quan trọng làm dịch tiếp tục lây lan ra cộng đồng.

Những năm gần đây, tuy dịch HIV/AIDS có xu hướng chững lại nhưng vẫn chưa được khống chế. Kết quả giám sát trọng điểm cho thấy, diễn biến của dịch vẫn còn phức tạp và có xu hướng lây lan ra cộng đồng, lan rộng về địa bàn, nhóm đối tượng, lây nhiễm qua quan hệ tình dục có xu hướng tăng và tập trung chủ yếu vào lứa tuổi thanh niên... Vì thế, dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu việc triển khai các biện pháp can thiệp không tích cực và đồng bộ. Ngoài ra, xu hướng cắt giảm dần kinh phí hoạt động của các dự án quốc tế hỗ trợ PC HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh cũng làm cho công tác này gặp nhiều khó khăn.

THI CA

Từ một tỉnh nằm trong tốp đầu về số người nhiễm HIV, đến nay, Khánh Hòa đã giảm đáng kể số người nhiễm so với số dân và ra khỏi danh sách tỉnh có người nhiễm HIV cao nhất. Đặc biệt, năm 2011, công tác PC HIV/AIDS của tỉnh đã đạt được “3 giảm” (số người nhiễm mới HIV giảm 14%, các trường hợp chuyển sang AIDS giảm 33,5% và tử vong do AIDS giảm 18,4%).