Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa tiến hành giám sát chuyên đề về tình hình chấp hành pháp luật trong việc cấp phép khai thác khoáng sản tại 3 địa phương: Cam Lâm, Ninh Hòa, Nha Trang và tổng hợp báo cáo của các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát cho thấy, hiện nay, nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) rất lớn, nhưng số mỏ được cấp phép không đáp ứng đủ nhu cầu.
Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa tiến hành giám sát chuyên đề về tình hình chấp hành pháp luật trong việc cấp phép khai thác khoáng sản (KTKS) tại 3 địa phương: Cam Lâm, Ninh Hòa, Nha Trang và tổng hợp báo cáo của các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát cho thấy, hiện nay, nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) rất lớn, nhưng số mỏ được cấp phép không đáp ứng đủ nhu cầu.
Nhu cầu lớn nhưng thiếu nguồn cung
Hiện nay, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có 13 đơn vị được cấp phép KTKS và 1 doanh nghiệp được UBND tỉnh cho phép cải tạo đồng ruộng, thu hồi sét làm gạch ngói. Trong số đó, có 1 đơn vị được cấp phép khai thác cát làm VLXD ở xã Ninh Hưng nhưng giấy phép đã hết hạn, một vài mỏ đất san lấp được cấp phép nhưng vướng khó khăn nên chưa đi vào hoạt động.
Tại TP. Nha Trang, có 2 đơn vị được cấp giấy phép KTKS làm VLXD thông thường (trong đó 1 đơn vị đang thực hiện đề án đóng cửa mỏ), 2 đơn vị được cấp phép khai thác nước khoáng, không có đơn vị nào được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông. Tại huyện Cam Lâm, có 2 đơn vị được cấp phép KTKS (đá, cát trắng thủy tinh), tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Tương tự, theo báo cáo của các địa phương gửi Ban Pháp chế HĐND tỉnh, hiện nay, tại TP. Cam Ranh và huyện Khánh Sơn cũng chưa có khu vực được cấp phép khai thác cát làm VLXD thông thường, trong khi nhu cầu xây dựng rất lớn.
Theo bà Phạm Lê Thanh Huyền - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thị xã Ninh Hòa, do số lượng mỏ KTKS không đáp ứng được nhu cầu dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn VLXD; nhu cầu lớn, lợi nhuận cao, nhưng chế tài xử lý chưa đủ mạnh nên các đối tượng vẫn lén lút khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản (đất, đá, cát, sỏi lòng sông) trái phép ảnh hưởng đến môi trường, làm thất thu nguồn tài nguyên khoáng sản của Nhà nước, gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý. Do đó, UBND thị xã Ninh Hòa kiến nghị Sở TN-MT nghiên cứu, tổng hợp các khu vực khoáng sản cần bổ sung vào phương án bảo vệ, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong khi đó, UBND huyện Cam Lâm kiến nghị tỉnh hoàn chỉnh quy trình cấp phép KTKS, đẩy mạnh thực hiện cấp phép KTKS làm VLXD thông thường nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn…
Tăng cường công tác quản lý
Với những vấn đề các địa phương nêu ra trong việc đẩy mạnh cấp phép KTKS làm VLXD thông thường, trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Sở TN-MT cũng đã có kiến nghị Bộ TN-MT xem xét tháo gỡ một số khó khăn. Cụ thể, theo Sở TN-MT, đối với việc thực hiện cấp phép KTKS theo quy định pháp luật hiện hành thì quá trình hoàn thiện thủ tục tốn nhiều thời gian (từ 3 đến 5 năm) nên không phù hợp với các loại khoáng sản làm VLXD thông thường như cát, sỏi, đất san lấp. Các loại khoáng sản làm VLXD cần giải quyết cấp phép nhanh gọn, đảm bảo được tiến độ đầu tư và trữ lượng khoáng sản sau khi thăm dò.
Cùng với đó, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản liên quan đến nhiều luật như: Đầu tư, Môi trường, Đất đai, Xây dựng, Thuế… thường hay thay đổi nên ảnh hưởng đến công tác triển khai cấp phép; giấy phép KTKS sau khi được cấp phải triển khai thiết kế mỏ, thỏa thuận đền bù đất đai và làm thủ tục thuê (trong trường hợp vướng đất an ninh quốc phòng phải lấy ý kiến thỏa thuận với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Quốc phòng)… Để hoàn tất các nội dung trên thì tiến độ đầu tư sẽ chậm trễ so với giấy chứng nhận đầu tư (quyết định chủ trương đầu tư). Do đó, Sở TN-MT đã kiến nghị Bộ TN-MT xem xét đối với đất san lấp cần có quy định riêng; điều chỉnh đối với giấy phép KTKS làm VLXD thông thường, không cần thiết phải lập dự án đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp không đầu tư hệ thống nhà xưởng, chế biến sản phẩm.
Qua làm việc với các địa phương, ông Trần Ngọc Sanh - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị các địa phương trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy trong công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn; làm tốt công tác tuyên truyền liên quan đến hoạt động khoáng sản, nhất là Chỉ thị số 10 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động quản lý, khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản cát, sỏi, đất, đá làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 354 ngày 8-2-2017 của UBND tỉnh. Các ngành chức năng, chính quyền cơ sở cần tăng cường công tác phối hợp, quản lý hoạt động KTKS…
Giai đoạn 2019-2021, UBND tỉnh đã cấp 4 giấy phép KTKS và 1 giấy phép thăm dò khoáng sản; Sở TN-MT đã tiến hành 2 cuộc thanh tra đối với 10 doanh nghiệp được cấp phép KTKS, ban hành 10 kết luận thanh tra, tham mưu ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 9 doanh nghiệp hoạt động khoáng sản. UBND tỉnh đã ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn theo Quyết định số 354 ngày 8-2-2017 và Quyết định số 2653 ngày 8-9-2017 về việc ban hành quy chế phối hợp, trao đổi thông tin và phát hiện xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đã xử lý 3.918 trường hợp khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 16,1 tỷ đồng, tịch thu số lợi bất hợp pháp số tiền hơn 137 triệu đồng, tịch thu 215m3 đất và 754m3 cát, buộc nộp ngân sách nhà nước với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. |
THÁI THỊNH