Ngày 27-11, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị triển khai công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa và điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang.
Ngày 27-11, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị triển khai công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa và điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang.
Tiến độ đang chậm
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), sở coi công tác lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ trọng tâm tổ chức triển khai thực hiện. Ngày 5-2, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai lập quy hoạch này. Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, đến nay, tiến độ thực hiện công tác lập quy hoạch tỉnh so với kế hoạch trong hồ sơ nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chậm khoảng 5 tháng. Một số địa phương khác đã hoàn tất công tác thẩm định phê duyệt dự toán, đang thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch. Sở nhận thấy, tiến độ thực hiện công tác lập quy hoạch tỉnh đang thuộc nhóm trung bình; để hoàn thành quy hoạch tỉnh vào tháng 12-2021 là thách thức lớn, có khả năng không đạt nếu các đơn vị liên quan không nỗ lực. Sở dự kiến đấu thầu chọn tư vấn lập quy hoạch vào tháng 12-2020; tổ chức hội nghị báo cáo các cấp có thẩm quyền vào tháng 7 đến tháng 12-2021; lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân vào đầu năm 2022; thông qua HĐND tỉnh tháng 4-2022; trình Thủ tướng phê duyệt tháng 6-2022.
Ngày 9-11, UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định dự toán chi phí lập Quy hoạch tỉnh. Đến nay, Sở KH-ĐT đã gửi hồ sơ nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập Quy hoạch tỉnh đến các thành viên Hội đồng thẩm định. Sở đã đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định ưu tiên dành thời gian cho công tác nghiên cứu thẩm định, gửi ý kiến thẩm định đúng thời hạn yêu cầu để sớm tiến hành tổ chức hội nghị thẩm định, dự kiến vào đầu tháng 12-2020.
Quy hoạch Nha Trang phải mang tính lâu dài
Quy hoạch chung TP. Nha Trang được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt năm 2012 đã có nhiều bất cập. Quy hoạch chưa đánh giá hết tác động môi trường của thành phố du lịch, trong khi thành phố có nhiều biến động về cơ sở hạ tầng. Việc đưa ra chiều cao tối đa 40 tầng là rào cản hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ngày 25-9, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; thời gian hoàn thành đồ án điều chỉnh không quá 12 tháng kể từ ngày nhiệm vụ điều chỉnh được phê duyệt.
Ông Trần Nam Bình - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, theo chủ trương trước đây, khu vực TP. Nha Trang có tính chất đặc thù, có yếu tố nhạy cảm về cảnh quan và môi trường nên cần những ý tưởng quy hoạch mang tầm chiến lược, hiện đại và định hướng lâu dài. Vì vậy, việc lập điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đã tính đến phương án lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện đồ án nhằm đảm bảo chất lượng đồ án quy hoạch, phục vụ cho mục tiêu phát triển lâu dài của thành phố.
Lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực
Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện phải liên hệ mật thiết với các bộ, ngành Trung ương; kịp thời cập nhật các nội dung cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện lập quy hoạch tỉnh, tránh sự mâu thuẫn, không đồng bộ giữa các quy hoạch. Bên cạnh đó, các đơn vị phải tích cực hỗ trợ đơn vị tư vấn trong công tác khảo sát thu thập thông tin, số liệu, dữ liệu đầu vào để lập quy hoạch; chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn trong công tác xây dựng các nội dung đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh. |
Về vấn đề chọn đơn vị tư vấn trong nước hay nước ngoài, lãnh đạo Sở KH-ĐT cho rằng, hiện nay, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng loạt tiến hành lập quy hoạch tỉnh; Trung ương cũng tiến hành lập hơn 40 quy hoạch cấp quốc gia. Vì vậy, việc đấu thầu trong nước để chọn tư vấn, chuyên gia đáp ứng yêu cầu chất lượng và thời gian rất khó. Tuy nhiên, tổ chức đấu thầu quốc tế cũng gặp một số vấn đề như: Tỉnh chưa có kinh nghiệm thực hiện; kinh phí cao hơn định mức quy định hiện hành; các thủ tục liên quan đến thanh, quyết toán và quy trình thẩm định kéo dài, nhiều công đoạn…
Đối với đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040, để bảo đảm tiến độ và chất lượng của đồ án, lãnh đạo Sở Xây dựng đề xuất 3 phương án. Phương án 1, sở kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu việc bố trí vốn lập đồ án để làm cơ sở triển khai theo trình tự thủ tục quy định. Phương án này có khả năng cao nhất đạt được tiến độ quy định và đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là nhiều khả năng đơn vị tư vấn được chọn trong nước, khó bảo đảm mục tiêu chất lượng. Phương án 2, sở kiến nghị UBND tỉnh báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét cho phép lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm quốc tế. Ưu điểm của phương án này là bảo đảm chất lượng đồ án nhưng kinh phí cao hơn định mức quy định hiện hành và không bảo đảm hoàn thành trong vòng 12 tháng. Phương án 3, sở đề xuất UBND tỉnh xem xét kêu gọi tài trợ ý tưởng (xã hội hóa). Việc tài trợ là tự nguyện, không điều kiện, không vì lợi ích của nhà tài trợ làm ảnh hưởng chung tới lợi ích cộng đồng xã hội.
Ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng, việc lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài có nhiều khó khăn, bất cập trong khi bị khống chế về thời gian nên khó hoàn thiện quy hoạch để trình Thủ tướng thông qua. Việc lựa chọn đơn vị tư vấn trong nước sẽ hạn chế được thời gian, kinh phí… Tỉnh sẽ họp, cân nhắc, thống nhất chọn phương án phù hợp nhất trên tinh thần đề xuất của Sở Xây dựng và Sở KH-ĐT. UBND tỉnh giao người đứng đầu 2 sở chịu trách nhiệm chính về các quy hoạch này, bảo đảm đẩy nhanh tiến độ công việc. Trong đó, điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang phải hoàn thành trong tháng 4-2021, để tháng 5-2021 trình Thủ tướng; còn quy hoạch tỉnh phải hoàn thành đúng lộ trình mà Sở KH-ĐT xây dựng.
VĂN KỲ
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải: Sở đang triển khai lập các quy hoạch ngành đường bộ, đường thủy, hàng không… Hạ tầng giao thông các địa phương phải quy hoạch tích hợp thành mạng lưới để thống nhất, đồng bộ. Vấn đề này liên quan đến quy hoạch sử dụng đất để có quỹ đất phù hợp, tránh như tình trạng ở TP. Nha Trang, quỹ đất dành cho giao thông quá thấp, không bảo đảm phát triển.