06:07, 29/07/2015

Cần hài hòa giữa bảo tồn và đời sống dân sinh

Việc quy hoạch kiến trúc, hạn chế chiều cao các công trình xây dựng quanh di tích Tháp Bà Ponagar (Nha Trang) là cần thiết. Tuy nhiên, việc quy hoạch này cần đảm bảo hài hòa giữa việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích với vấn đề dân sinh.

Việc quy hoạch kiến trúc, hạn chế chiều cao các công trình xây dựng quanh di tích Tháp Bà Ponagar (Nha Trang) là cần thiết. Tuy nhiên, việc quy hoạch này cần đảm bảo hài hòa giữa việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích với vấn đề dân sinh.


Ảnh hưởng từ những công trình cao tầng


Tháp Bà Ponagar là di tích có giá trị đặc biệt quan trọng đối với Nha Trang - Khánh Hòa, được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 1979. Tuy nhiên, do việc quản lý về quy hoạch kiến trúc chưa được chặt chẽ, nên trong thời gian gần đây, một số công trình cao tầng đã ảnh hưởng đến vẻ đẹp của di tích trong tổng thể khu vực quanh cửa sông Cái, cũng như tầm quan sát của du khách khi đứng trên tháp.

 

Khách sạn Dịu Dàng đã hạn chế tầm nhìn của du khách từ Tháp Bà về phía biển.
Khách sạn Dịu Dàng đã hạn chế tầm nhìn của du khách từ Tháp Bà về phía biển


Theo giới kiến trúc sư (KTS), hiện nay từ trên Tháp Bà nhìn xuống hướng đông dọc theo bờ kè bắc sông Cái sẽ bị vướng bởi các khách sạn Dịu Dàng (cao 9 tầng), khách sạn Mùa Xuân 1 và 2. Trong khi đó, đứng ở phía nam cầu Trần Phú nhìn vào Tháp Bà cũng bị vướng công trình tổ hợp khách sạn chung cư cao cấp Mường Thanh đang xây dựng. Đó là chưa nói, trong quy hoạch ở khu cồn Nhất Trí cũng có chung cư cao 15 tầng.


Sau khi ngành Văn hóa có ý kiến về vấn đề này, tháng 3-2015, UBND tỉnh đã tổ chức họp về việc quản lý quy hoạch, kiến trúc xung quanh Tháp Bà. Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh đã kết luận, một số công trình nhà ở, khách sạn xây dựng tại khu vực xung quanh đã làm che khuất Tháp Bà Ponagar nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, cũng như tầm nhìn cảnh quan bị hạn chế khi quan sát từ Tháp Bà Ponagar. UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất phương án quản lý chiều cao các công trình xung quanh tháp.


Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và đảm bảo đời sống dân sinh


Tại cuộc họp UBND tỉnh mới đây, Sở Xây dựng đã đề xuất phương án quản lý kiến trúc quanh khu Tháp Bà như sau: khu vực phía tây của tháp (ký hiệu trên bản đồ là ô đất N28) xây dựng không quá 3 tầng; riêng việc xây dựng ở hướng phía đông (cạnh đường bờ kè bờ bắc sông Cái) có 2 phương án: 3 tầng đối với các công trình thuộc khu đất N65, 6 tầng hoặc 9 tầng đối với các khu đất N66, N67, N68. Tuy nhiên, khi lấy ý kiến góp ý, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất, công trình dọc bờ kè bắc sông Cái không nên vượt quá 15m chiều cao; TP. Nha Trang đề xuất không cao quá 3 tầng. KTS Trần Thanh Cường (Hội KTS Khánh Hòa) cho rằng về nguyên tắc hướng khu vực phía bờ kè phía bắc sông Cái (hướng đông) xây dựng không nên cao quá đỉnh đồi mà tháp tọa lạc (khoảng 20m).


Cũng tại cuộc họp này, các KTS đều cho rằng không nên cứng nhắc trong việc quy định cả 3 khu đất N66, N67, N68 là 6 tầng hoặc 9 tầng, mà nên linh động tăng dần độ cao để tạo sự chuyển tiếp tự nhiên theo kiểu 3, 5, 7 tầng. Bên cạnh đó, các KTS cũng đề nghị tỉnh quan tâm đến việc quản lý khu chung cư ở cồn Nhất Trí (đã có trong quy hoạch), khu khách sạn chung cư cao cấp Mường Thanh sao cho hài hòa. “Tháp Bà là di tích mà gần như ai cũng phải đến khi ghé Nha Trang. Khi quản lý về không gian kiến trúc không chỉ xem xét khu vực quanh chân tháp mà cần quan tâm đến cả diện rộng 2 bên sông Cái và 2 đầu cầu Trần Phú...”, KTS Phan Văn Đáng bày tỏ.


Ông Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu ý kiến: Việc bảo tồn cảnh quan xung quanh di tích Tháp Bà cần căn cứ trên thực tế chứ không chỉ làm theo mong muốn. Việc bảo tồn cảnh quan di tích là cần thiết, tuy nhiên cần phải tính đến lợi ích của người dân để làm sao khi ban hành quy hoạch người dân sẽ thấy phù hợp, ủng hộ chính quyền. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc khoanh vùng quản lý có giới hạn, bởi thực tế hiện nay không thể đòi hỏi đứng chỗ nào cũng thấy Tháp Bà. Ông Nguyễn Chiến Thắng đã giao Sở Xây dựng tiếp tục nghiên cứu đề xuất quy định độ cao các công trình xây dựng dọc đường bờ kè bắc sông Cái Nha Trang sao cho phù hợp giữa việc bảo tồn cảnh quan di tích và đảm bảo dân sinh, “Cần đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Chiến Thắng nhấn mạnh.


Thực tế cho thấy, khu dân cư ở phía bắc bờ sông Cái, người dân có nhu cầu xây dựng để buôn bán, kinh doanh. Vấn đề đặt ra ở đây không đơn thuần chỉ là việc giữ được vẻ đẹp của khu di tích Tháp Bà, mà còn phải tính đến việc tạo điều kiện để người dân xây dựng các công trình phát triển kinh tế.  


THÀNH NGUYỄN