22:29, 20/12/2023

Diện mạo đô thị hiện đại từng ngày

 VĂN KỲ

Qua 2 năm rưỡi triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 11-1-2021 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đến nay, diện mạo đô thị đã từng bước thay đổi theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Dồn lực cho phát triển đô thị

Triển khai Nghị quyết số 06, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và các địa phương triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa nội dung của nghị quyết, phấn đấu thực hiện cao nhất những mục tiêu theo kế hoạch đề ra. Trong giai đoạn 2021 - 2025, ước tổng nhu cầu vốn dự kiến để đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm cho Chương trình phát triển đô thị hơn 111.885 tỷ đồng. Đến nay, TP. Nha Trang đã bố trí vốn cho khoảng 100 dự án với tổng mức đầu tư hơn 243 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 142 tỷ đồng; TP. Cam Ranh thực hiện 15 dự án, giải ngân gần 30 tỷ đồng; huyện Cam Lâm bố trí kế hoạch vốn gần 42,7 tỷ đồng, giải ngân hơn 40,3 tỷ đồng. Các địa phương còn lại đã và đang triển khai thực hiện các dự án về giao thông, hạ tầng kỹ thuật, thể thao, hạ tầng khu dân cư đô thị trên địa bàn...

Diện mạo khu vực phía bắc TP. Nha Trang có nhiều thay đổi. 

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt nhiều chương trình xúc tiến đầu tư; lập danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hội nghị góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Qua đó, tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ưu tiên các ngành tạo giá trị gia tăng cao, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm. Đến nay, toàn tỉnh đã và đang triển khai hơn 40 dự án nhà ở, khu đô thị mới với mục tiêu xây dựng đồng bộ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu đô thị, tạo không gian kiến trúc cảnh quan hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển các khu đô thị ở kết hợp dịch vụ hỗ trợ. Từ năm 2021 đến nay, có 3 dự án nhà ở xã hội (gồm: Nhà ở xã hội 01 và Nhà ở xã hội 02 trong Khu đô thị VCN Phước Long, Nhà ở xã hội HQS tại Khu đô thị mới Lê Hồng Phong I, Chung cư xã hội P.H Nha Trang), cùng nhiều dự án đầu tư xây dựng khu đô thị đã nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng. Một số dự án khác như: Nhà ở xã hội 02 Khu đô thị mới Phước Long, Nhà ở xã hội Cam Ranh... đang được tiếp tục thi công xây dựng để giải quyết nhu cầu nhà ở của nhân dân.

Phấn đấu đạt đô thị trực thuộc Trung ương

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh vẫn còn một số nội dung hạn chế, tồn tại. Cụ thể, một số chỉ tiêu có tỷ lệ thực hiện dưới 50% so với chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025; một số địa phương khi xây dựng Chương trình phát triển đô thị đã không cập nhật đầy đủ các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 06 hoặc đề ra chỉ tiêu ở mức thấp hơn, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu chung của toàn tỉnh. Công tác đầu tư các dự án còn một số hạn chế, tiến độ triển khai chậm hoặc không còn phù hợp với định hướng quy hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ đô thị hóa ở một số địa phương chậm, còn lúng túng trong tổ chức xây dựng hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Tại hội nghị sơ kết 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết số 06 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Ngọc Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, thời gian tới, tỉnh cần sớm hoàn thành công tác lập quy hoạch đô thị, xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh để việc thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình khắc phục những tiêu chí còn thiếu, yếu; đề xuất giải pháp huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng khung và hệ thống đô thị trên toàn tỉnh làm cơ sở để lập các đề án đánh giá nâng loại đô thị, thành lập thị xã, thị trấn, phường trong tương lai.

Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh phấn đấu huy động có hiệu quả nhiều nguồn vốn trong nước, ngoài nước và các thành phần kinh tế, nhất là nguồn vốn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, khu dân cư, khu thương mại, cải tạo môi trường; tiếp tục đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông mang tính động lực để tạo mối liên kết giữa các vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần từng bước xây dựng, quản lý và phát triển đô thị theo hướng bền vững. Thời gian tới, việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh phải bám sát các mục tiêu, định hướng trong Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch tỉnh và Chương trình phát triển đô thị tỉnh vừa được HĐND tỉnh thông qua. Qua đó, phát triển Khánh Hòa trở thành đô thị văn minh, hiện đại, có chất lượng môi trường sống tốt và là trung tâm kinh tế biển, kinh tế du lịch, dịch vụ lớn của cả nước; tạo nền tảng đến năm 2030, Khánh Hòa phát triển toàn diện trên các lĩnh vực để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến cuối năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 62%; các đô thị: TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) và thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh) cơ bản đạt mục tiêu đề ra; các đô thị còn lại đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 06. Diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đạt 26,33m2/người; tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố đạt 97,6%; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị đạt 92,5%...

 VĂN KỲ