08:08, 07/08/2019

Y tế học đường: Cần được quan tâm hơn

Những năm qua, công tác y tế trường học trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm triển khai ở các cấp học, góp phần chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này hiện vẫn còn những khó khăn, bất cập.

Những năm qua, công tác y tế trường học trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm triển khai ở các cấp học, góp phần chăm sóc sức khỏe cho học sinh (HS). Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này hiện vẫn còn những khó khăn, bất cập.


Chăm sóc sức khỏe cho học sinh


Qua kiểm tra công tác y tế trường học vào cuối năm học 2018 - 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đánh giá, đa số các trường đã thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe HS, đảm bảo các khâu vệ sinh trong trường lớp. Hồ sơ, sổ sách thực hiện công tác y tế trường học đầy đủ; phòng y tế đảm bảo diện tích, cơ số thuốc và dụng cụ, y cụ. Đối với các trường có bếp ăn bán trú, có tổ chức căng tin, nhìn chung khâu an toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo; hàng hóa cung cấp cho bếp ăn và căng tin có hợp đồng mua bán, đảm bảo xuất xứ, kiểm định, hạn sử dụng; có tủ lạnh và lưu mẫu thức ăn đúng quy định. Nhân viên bếp ăn, bảo mẫu có hợp đồng, khám sức khỏe và được tập huấn về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Học sinh một trường tiểu học tại TP. Nha Trang vệ sinh tay sau giờ ra chơi.

Học sinh một trường tiểu học tại TP. Nha Trang vệ sinh tay sau giờ ra chơi.


Cô Đinh Thị Nhật Trinh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Sen (TP. Nha Trang) cho biết, từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức kiểm tra, sàng lọc sức khỏe cho HS. Trong năm, nhà trường cũng thực hiện đầy đủ việc đo chiều cao, cân nặng, chấm biểu đồ tăng trưởng và theo dõi sự phát triển thể lực định kỳ cho trẻ. Bên cạnh đó, nguồn gốc thực phẩm đưa vào sử dụng được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh trong quá trình chế biến và sử dụng.


Còn vướng mắc


Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, HS là đối tượng bắt buộc và đã được Nhà nước hỗ trợ mức đóng nhưng tỷ lệ tham gia hàng năm vẫn chưa đạt 100%. Năm học 2018 - 2019, số HS toàn tỉnh tham gia bảo hiểm y tế mới chỉ đạt 94,5%. Theo ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, công tác tuyên truyền về bảo hiểm y tế HS tại một số đơn vị, trường học chưa thực sự được chú trọng nên phụ huynh và HS chưa hiểu được tính nhân văn của chính sách này. Bên cạnh đó, theo Nghị định 146 ngày 17-10-2018 của Chính phủ, nhân viên y tế trường học phải có chứng chỉ hành nghề thì mới được trích nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhà trường hoạt động. Tuy nhiên, toàn tỉnh có 98% nhân viên y tế trường học chưa có chứng chỉ hành nghề, hầu hết các trường chưa nhận được nguồn kinh phí trích lại từ việc đóng bảo hiểm y tế HS để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em. Việc hỗ trợ kinh phí cho nhân viên y tế trường học để học tập nâng cao trình độ cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nên họ phải tự túc kinh phí khi tham gia các lớp học.

 

Toàn tỉnh có 442 nhân viên y tế chuyên trách, trong đó 347 người có trình độ từ trung cấp y sĩ, 95 người có trình độ dưới trung cấp y sĩ. Ngoài ra, còn có 107 nhân viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học.


Có 192/192 trường mầm non, 82/188 trường tiểu học, 6/116 trường THCS và 1/32 trường THPT có bếp ăn bán trú đảm bảo đầy đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm. Trong số 549 trường học, có 6 trường sử dụng suất ăn từ các cơ sở cung cấp dịch vụ trên địa bàn, 243 trường có căng tin bán hàng trong nhà trường đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm, 311 trường có người làm việc tại bếp ăn, căng tin đảm bảo các điều kiện theo quy định... Có 90,2% trường có công trình vệ sinh đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT.

Qua kiểm tra công tác y tế trường học ở các trường, Sở GD-ĐT nhận thấy một số trường vẫn còn tình trạng để sót thuốc hết hạn trong tủ thuốc phòng y tế; thiếu tủ lạnh, máy hấp, giường bệnh và một số cơ số thuốc, y cụ khác. Công tác kiểm tra sức khỏe HS đầu năm học tại một số trường học vẫn triển khai chậm, chưa theo dõi, quản lý tốt số lượng HS có nguy cơ mắc một số bệnh về huyết áp, răng miệng, cận thị… Ở một số trường học có tổ chức căng tin, người bán chưa khám sức khỏe định kỳ, hàng hóa thiếu nhãn mác, xuất xứ. Tất cả các trường học có tổ chức căng tin đều chưa được cấp giấy phép. Ngoài ra, một số đơn vị trường học hệ thống nhà vệ sinh xuống cấp, hệ thống vòi nước rửa tay bị hư hỏng, thiếu xà phòng rửa tay cho HS...


Ông Lê Đình Thuần cho biết, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường sắp xếp lại phòng y tế và hồ sơ chăm sóc sức khỏe HS. Đồng thời, tổng hợp và theo dõi thường xuyên những HS nghi ngờ mắc bệnh sau khi kiểm tra sức khỏe để chuyển tuyến hoặc báo cho gia đình HS can thiệp kịp thời; bổ sung cơ số thuốc và các dụng cụ y tế cần thiết; mua sắm các vật dụng nhằm đảm bảo đủ điều kiện sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS. Lãnh đạo các đơn vị, trường học cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên y tế được thực tập tại các cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để có chứng chỉ hành nghề đạt chuẩn. Bên cạnh đó, các trường cần thường xuyên kiểm tra, vệ sinh môi trường trường học, đặc biệt chú ý hệ thống nhà vệ sinh của HS, phải tu sửa lại hệ thống bồn cầu, vòi nước rửa tay, cung cấp đủ xà phòng rửa tay mỗi ngày. Sở GD-ĐT cũng đã chấn chỉnh các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định trong việc sử dụng đất công trong nhà trường để xây dựng căng tin hoặc cho thuê đất vào các mục đích khác. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác y tế trường học. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, Bảo hiểm xã hội thực hiện tốt việc khám chữa bệnh cho HS; huy động các nguồn lực, nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện môi trường, điều kiện học tập và điều kiện chăm sóc sức khỏe cho HS các cấp.


H.NGÂN