Vừa qua, HĐND TP. Nha Trang giám sát chuyên đề về "Công tác quản lý các điểm trông giữ trẻ mầm non trên địa bàn thành phố". Qua giám sát cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.
Vừa qua, HĐND TP. Nha Trang giám sát chuyên đề về “Công tác quản lý các điểm trông giữ trẻ mầm non (MN) trên địa bàn thành phố”. Qua giám sát cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.
Những nhóm trẻ không phép
Khi chúng tôi tới nhà bà Võ Thị Lan - điểm giữ trẻ gia đình không phép tại thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng, khoảng chục trẻ nhỏ đang đùa nghịch trong sân nhà và phòng khách với mấy món đồ chơi lèo tèo. Bé nhỏ nhất mới 13 tháng, đang bò trong sân, bé lớn chừng 3 - 4 tuổi. Không gian giữ trẻ và không gian sinh hoạt gia đình không có sự tách biệt độc lập. Bà Lan thừa nhận không có chuyên môn về trông giữ trẻ và cho biết: “Mình giữ con mình thế nào thì trông trẻ như thế. Trẻ còn nhỏ đã biết gì đâu mà dạy. Cháu còn nhỏ thế thì trường nào nhận”. Giữ trẻ tại nhà, không có giáo viên (GV), bà Lan vừa nấu ăn vừa trông trẻ với sự trợ giúp của 2 người con.
Cũng là nhóm lớp MN chưa được cấp phép nhưng nhóm lớp Hòa Bình ở thôn Phước Thủy, xã Phước Đồng rộng rãi hơn với 2 phòng. Nhóm lớp khoảng chục cháu, nhỏ nhất hơn 1 tuổi, có 2 cô giáo. Bà Nguyễn Thị Hòa Bình, người mở nhóm lớp này cho biết, một số trẻ gửi theo tháng nhưng cũng có trẻ gửi theo ngày, có trẻ đang gửi trường công, người nhà chỉ gửi thời gian trường cho trẻ nghỉ hè. Các cháu ăn 3 bữa, có đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm. Cả 2 cô giáo đều có nghiệp vụ sư phạm nên ngoài giờ ăn nghỉ có giờ hoạt động chung; các bé lớn hơn học tô màu, các em nhỏ chơi đồ chơi là chính. Do địa điểm mở nhóm lớp là nhà thuê nên gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với chủ nhà để sửa chữa. Tuy nhiên, bà Hòa Bình nói sẽ làm thủ tục xin cấp phép hoạt động cho nhóm trẻ.
Ông Nguyễn Tiến Luật - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã còn 4 nhóm lớp MN tự phát. Trong đó, nhóm Hòa Bình (ở Phước Thủy) và Song Ngân (ở Phước Tân) đã có GV nên sẽ hướng dẫn làm thủ tục để cấp phép quản lý; 2 nhóm trẻ gia đình còn lại, gia đình tự giữ trẻ, không có GV, địa phương sẽ kiểm tra, lập biên bản, xử lý và yêu cầu chấm dứt hoạt động nếu không đủ điều kiện.
Một số hạn chế
Theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố, đến năm 2020 phải huy động 30% trẻ nhà trẻ và hơn 90% trẻ mẫu giáo ra lớp, nhưng hiện nay mới huy động được 22,2% trẻ nhà trẻ và 89,7% trẻ mẫu giáo. Bên cạnh đó, các nhóm lớp chưa đảm bảo định mức GV theo quy định, mới thực hiện 2 GV/nhóm, lớp, trong khi quy định nhà trẻ 2,5 GV/nhóm, mẫu giáo 2,2 GV/lớp.
Ngoài ra, một số điểm lẻ tại các trường, cơ sở vật chất xuống cấp, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn cho trẻ. Một số điểm trường MN công lập đã đầu tư xây dựng xong nhưng chưa bố trí được GV để huy động trẻ ra lớp. Một số điểm trường công lập và nhóm lớp tư thục không hợp đồng được GV do lương thấp và một số nhóm, lớp tuyển sinh không đủ số lượng nên GV không yên tâm công tác. Tại các cơ sở giáo dục MN tư thục, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi còn thiếu theo quy định, chưa nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước cũng như các tổ chức xã hội…
Cần quan tâm hơn
Ông Nguyễn Lê Đình Trị - Chủ tịch HĐND TP. Nha Trang cho biết, từ kết quả giám sát, HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố đầu tư xây dựng mới một số điểm trường đã xuống cấp: Trường MN Vĩnh Nguyên 1 (điểm Thánh Gia), Trường MN Phước Đồng (điểm Phước Hạ); nghiên cứu bán đấu giá hoặc hoán đổi 2 điểm MN Vĩnh Trường (khu vực Trường Hải, Trường Thọ) để đầu tư xây dựng mới hoặc đầu tư xây thêm phòng học tại điểm chính. Bên cạnh đó, thực hiện Đề án xã hội hóa cơ sở vật chất giáo dục MN TP. Nha Trang giai đoạn 2017 - 2020 theo Nghị quyết của HĐND thành phố; khắc phục các hạn chế đã nêu qua giám sát.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tăng cường công tác kiểm tra, quản lý giáo dục MN; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các trường tư thục và các chủ nhóm, lớp để nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục. Bên cạnh đó, phối hợp Phòng Y tế và Trung tâm Y tế thành phố nghiên cứu, tinh giản các loại hồ sơ, sổ sách về an toàn thực phẩm phù hợp với mô hình các nhóm lớp tư thục nhỏ lẻ (1, 2 lớp); phối hợp với các xã, phường xử lý những điểm không phép, điểm nhỏ lẻ do các hộ gia đình tổ chức trong khu dân cư. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ thiết thực đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học cho các nhóm, lớp MN nhỏ lẻ; hướng dẫn các trường, lớp MN tư thục mua sắm trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi theo quy định.
UBND các xã, phường nghiên cứu các điểm nhỏ lẻ, khó khăn trong việc đi lại và tìm quỹ đất để kiến nghị UBND thành phố hoán đổi xây dựng các điểm trường mới khang trang hơn; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các điểm giữ trẻ không phép, nhất là tại các hẻm nhỏ trong khu dân cư nhằm tạo điều kiện cho các điểm có phép hoạt động. Các trường và nhóm lớp nghiên cứu, lựa chọn xây dựng môi trường theo hướng sạch đẹp, an toàn, thân thiện, tạo ra những điểm nhấn nổi bật của cơ sở như: góc vườn cổ tích đẹp nhất, góc bé vẽ đẹp nhất, đồ dùng tự làm đẹp nhất…
NAM DU