Năm học 2019 - 2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục là đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở. Yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông cũng đòi hỏi công tác này cần có những giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa.
Năm học 2019 - 2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục là đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh (HS) sau THCS. Yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông cũng đòi hỏi công tác này cần có những giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa.
Còn hạn chế
Trong kỳ thi tuyển lớp 10 năm học 2019 - 2020, Vạn Ninh là địa phương có kết quả thi cả 3 môn thấp nhất so với mặt bằng chung của tỉnh. Một trong những nguyên nhân được lý giải là do việc phân luồng HS sau THCS còn yếu, những em học kém hoặc không có khả năng học tập không được định hướng để rẽ sang con đường học nghề mà vẫn dự thi THPT. Tỷ lệ HS không tham gia thi tuyển lớp 10 của huyện chỉ có 150/1.920 em, chiếm 7,8%.
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vạn Ninh, đa số hiệu trưởng các trường còn xem nhẹ công tác này nên thực hiện việc giảng dạy hướng nghiệp hoặc phân công giáo viên bộ môn chỉ nhằm đảm bảo lấp đủ số tiết quy định. Công tác tư vấn cho HS chỉ dừng lại ở việc kiêm nhiệm nên chưa hiệu quả, thiếu và yếu cả về chuyên môn lẫn nghiệp vụ, đa số vẫn dừng lại ở bước tư vấn tâm lý cho HS là chính. Việc phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh chỉ dừng lại ở bước dạy nghề phổ thông. Việc định hướng nghề sau THCS thì đến tháng 3 hàng năm mới triển khai chứ chưa có kế hoạch dài hạn. Trong khi đó, việc tuyên truyền chưa hiệu quả, chưa giúp phụ huynh HS thấy được tầm quan trọng của việc lựa chọn và theo học nghề phù hợp với năng lực của con em mình.
Tại TP. Cam Ranh, năm học 2018 - 2019, trong số hơn 2.000 HS tốt nghiệp THCS, có tới 1.643/2024 HS tiếp tục học lớp 10 THPT ở cả 2 hệ phổ thông và giáo dục thường xuyên, chiếm tỷ lệ hơn 81%. Chỉ có 71 em vào học trường dạy nghề, chiếm 3,4%. Tại TP. Nha Trang, trong số 5.650 HS tốt nghiệp THCS năm học qua, có 4.491 em đăng ký thi tuyển vào lớp 10 năm học 2019 - 2020, chiếm 79,5%; 1.159 HS không đăng ký tuyển sinh vào THPT và bổ túc THPT, chiếm 20,5%. Tuy ngành Giáo dục đã có một số giải pháp đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng HS sau THCS và đạt những kết quả nhất định, song công tác này vẫn còn hạn chế về cả cơ sở vật chất, điều kiện đội ngũ giáo viên, phương pháp dạy nghề phổ thông. Việc thiếu sự đồng thuận từ phía cha mẹ HS cũng là một rào cản không nhỏ.
Cần tiếp tục quan tâm
Theo Thông tư 07/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 05/2017 quy định về quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng, có hiệu lực thi hành từ ngày 22-4-2019, việc tuyển sinh trình độ cao đẳng được mở rộng thêm đối tượng là người tốt nghiệp THCS (quy định cũ yêu cầu phải tốt nghiệp THPT). Thời gian học được rút ngắn lại, các em vừa được học để hoàn thiện chương trình THPT, vừa có điều kiện sớm tạo dựng nghề nghiệp. Ngoài ra, theo quy định, đối tượng tốt nghiệp THCS đi học trung cấp nghề còn được miễn giảm học phí… |
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ở cấp THCS, giáo dục hướng nghiệp được tích hợp vào các môn học, đồng thời được biên soạn thành một số chủ đề ở các môn: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong 2 năm học cuối cấp. Ở cấp THPT, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục. Điều đó cho thấy vai trò và tầm quan trọng của công tác này, cũng là thách thức đặt ra trong thời gian tới.
Nhằm đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng HS, ngành Giáo dục đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2019 - 2020 gồm: đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường. Đối với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, sẽ tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phù hợp với từng địa phương. Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, thực hiện tốt nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của địa phương và của cả nước. Bên cạnh đó, đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi HS. Ngành Giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, mức thu nhập, xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động…
Theo Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 có ít nhất 30% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 40% HS tốt nghiệp THPT tiếp tục vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng. Với tình hình ở các địa phương hiện nay, nếu những giải pháp trên không được triển khai hiệu quả thì mục tiêu đặt ra khó có thể đạt được.
H.NGÂN