Hiệu quả từ các hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học là điều ai cũng có thể thấy, song để mỗi hoạt động đúng nghĩa là các trải nghiệm từ thực tế, thoát ly khỏi 4 bức tường phòng học thì còn không ít khó khăn.
Hiệu quả từ các hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học là điều ai cũng có thể thấy, song để mỗi hoạt động đúng nghĩa là các trải nghiệm từ thực tế, thoát ly khỏi 4 bức tường phòng học thì còn không ít khó khăn.
Nhiều hình thức tổ chức
Hoạt động trải nghiệm được thí điểm tổ chức tại 48 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh từ năm học 2018-2019. Dựa trên tài liệu của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, mỗi tháng, các trường tổ chức 1 chủ đề, mỗi chủ đề dạy trong 4 tiết với nhiều hình thức đa dạng như: khám phá (thực địa, thực tế, tham quan, cắm trại, trò chơi...); thể nghiệm, tương tác (diễn đàn, giao lưu, hội thảo, sân khấu hóa...); hình thức có tính cống hiến (thực hành lao động, hoạt động tình nguyện, nhân đạo...); nghiên cứu (dự án và nghiên cứu khoa học, hoạt động theo nhóm sở thích). Thông qua các hành động cụ thể như: lao động việc nhà, tạo ra sản phẩm thủ công, đóng vai, vẽ tranh… các em sẽ được tự trải nghiệm, tự học, tự rèn luyện để dần hoàn thiện mình.
Theo ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo, hoạt động trải nghiệm giúp học sinh biết cách khám phá, điều chỉnh bản thân, bắt đầu biết cách tổ chức hoạt động, tổ chức cuộc sống và làm có kế hoạch, có trách nhiệm. Các em cũng sẽ dần hình thành năng lực giải quyết những vấn đề của cá nhân, nhóm và gia đình. Được học môn này, hầu hết học sinh đều tỏ ra thích thú và phấn khởi. Rất nhiều em thể hiện rõ năng lực của mình qua các hoạt động trải nghiệm như: thiết kế trang phục, viết, vẽ, phỏng vấn hoặc triển lãm tranh ảnh…
Thiếu kinh phí thực hiện
Trong 48 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh thí điểm tổ chức hoạt động trải nghiệm, TP. Nha Trang có 14 trường, thị xã Ninh Hòa 10 trường, TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm, huyện Vạn Ninh, huyện Diên Khánh mỗi địa phương 6 trường. Việc giảng dạy thí điểm được các trường chính thức triển khai từ tháng 12-2018 đối với khối 2 đến khối 5 trên tinh thần tự nguyện. |
Tuy nhiên, để mỗi hoạt động đúng nghĩa là các trải nghiệm từ thực tế, thoát ly khỏi 4 bức tường phòng học thì còn không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là không có kinh phí thực hiện. Theo cô Nguyễn Thị Phương Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Suối Tiên (huyện Diên Khánh), việc trải nghiệm cần phải có đủ cơ sở vật chất, kinh phí, trong khi điều kiện của một trường tiểu học ở nông thôn không cho phép. Vì thế, có những ý tưởng rất hay, rất có ích cho học sinh nhưng không thực hiện được. Mặt khác, có nhiều nội dung trong tài liệu hướng dẫn còn xa rời với học sinh vùng nông thôn. Ngoài ra, cho học sinh tham quan, nhà trường phải đảm bảo an toàn cho các em nên việc tổ chức có những khó khăn nhất định.
Theo ông Nguyễn Xuân Lộc - Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa, từ năm học 2020-2021, hoạt động trải nghiệm sẽ được đưa vào chương trình chính khóa, việc tổ chức thí điểm ở các trường hiện nay là bước đệm cho việc này. Tuy nhiên, khó khăn đầu tiên là việc thực hiện chưa đúng với tên gọi của nó. Các trường không có đủ kinh phí tổ chức nên không có nhiều hoạt động trải nghiệm đúng nghĩa và việc học vẫn dừng ở lý thuyết là chính.
Một số giáo viên cho rằng, hoạt động trải nghiệm là một môn học mới được áp dụng nên còn khó khăn trong việc soạn giảng, chưa có nhiều ý tưởng sáng tạo và còn lúng túng khi dạy. Cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của môn học. Một số chủ đề về kỹ năng sống lặp đi lặp lại khiến học sinh nhàm chán, có chủ đề lại không thiết thực với xu thế xã hội hoặc vượt quá tầm tư duy suy nghĩ của các em. Chẳng hạn như các hoạt động thuyết trình viên, triển lãm tranh rất khó với học sinh lớp 2...
Theo ông Hà Văn Thông, thời gian chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới không còn nhiều. Để có nguồn kinh phí cho các hoạt động, cần tăng cường xã hội hóa từ phụ huynh học sinh. Đây là việc khó khăn, phải từng bước tháo gỡ. Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch dạy học không thống nhất ở các huyện, thị xã, thành phố mà phải phù hợp với điều kiện thực tế từng khu vực, vùng miền. Việc này đã được giao cho nhà trường chủ động. Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo tiếp tục thí điểm dạy hoạt động trải nghiệm tại 48 trường tiểu học. Trong đó, lưu ý một số vấn đề về công tác tuyên truyền để cha mẹ học sinh đồng thuận; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với các tổ chức đoàn thể, ban ngành chức năng; tổ chức các chuyên đề cho giáo viên tham dự và rút kinh nghiệm...
H.NGÂN