12:01, 18/01/2019

Đầu tư thiết bị dạy Tin học: Đẩy mạnh xã hội hóa

Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy Tin học đang là yêu cầu cấp bách nhằm mở rộng số trường tổ chức dạy và học, chuẩn bị cho lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy Tin học đang là yêu cầu cấp bách nhằm mở rộng số trường tổ chức dạy và học, chuẩn bị cho lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.


Thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị


Môn Tin học được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa vào giảng dạy thí điểm ở một số trường phổ thông từ năm học 2002 - 2003, đến năm học 2006 - 2007 triển khai đại trà toàn quốc. Tại Khánh Hòa, tuy môn học này đã triển khai từ khi có chủ trương của bộ nhưng bài toán về cơ sở vật chất, trang thiết bị đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết tốt.

 

Máy tính thực hành Tin học ở nhiều trường đã lạc hậu và xuống cấp.

Máy tính thực hành Tin học ở nhiều trường đã lạc hậu và xuống cấp.


Ở cấp tiểu học, do Tin học là môn không bắt buộc nên việc đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chưa được chú trọng. Gần như các trường tiểu học tự trang bị phòng máy từ nguồn xã hội hóa và thu tiền của người học để trang trải chi phí. Song vì chưa có một văn bản nào của cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế này nên số trường thực hiện không nhiều, trong khi kinh phí Nhà nước còn nhiều khó khăn. Ở địa bàn khó khăn như: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống..., việc xã hội hóa phòng máy theo phương thức đóng góp của người học rất khó. Hiện chỉ có 33,5% học sinh (HS) từ lớp 3 đến lớp 5 được học môn này.


Trong khi đó, cấp THCS chưa thể triển khai dạy, học môn Tin học theo chương trình của Bộ GD-ĐT vì chưa có phòng máy tính phục vụ thực hành. Các trường chỉ tổ chức dạy nghề phổ thông Tin học theo nguyện vọng của HS. Riêng cấp THPT, việc đảm bảo cho 100% được học chính khóa môn Tin học theo chương trình của bộ là sự cố gắng rất lớn của đội ngũ giáo viên trong điều kiện thiết bị hạn chế, các trường phải tổ chức dạy tăng ca thực hành, dạy trái buổi.


Theo ông Nguyễn Sinh Cung - Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên Sở GD-ĐT, nhu cầu học môn Tin học ngày càng tăng, nhưng máy tính phục vụ dạy và học lại quá ít. Theo thống kê đầu năm học 2018 - 2019, cấp THCS có tới 21 HS phải học chung một máy. Ở cấp THPT, giáo dục thường xuyên là 23 HS/máy. Các trường phải bố trí phòng máy hoạt động gần như kín thời gian trong ngày, từ đó đã gây sự xuống cấp nhanh chóng của máy vi tính và các thiết bị. Kinh phí sửa chữa hàng năm tại các đơn vị không đủ để đáp ứng việc thay thế, sửa chữa các thiết bị hư hỏng.


Đầu tư dưới nhiều hình thức


Để giải quyết vấn đề đó, Sở GD-ĐT vừa trình UBND tỉnh Đề án “Xã hội hóa đầu tư thiết bị và máy tính phục vụ dạy Tin học đối với ngành học phổ thông trên địa bàn tỉnh”, trong đó đề xuất trang bị thêm 3.609 máy tính, 208 phòng máy cho các trường với tổng kinh phí dự kiến gần 62 tỷ đồng. Giải pháp đưa ra là thực hiện 100% xã hội hóa kêu gọi từ các nhà đầu tư ở những địa bàn thuận lợi. Đối với các trường thuộc thôn, xã khó khăn thuộc đồng bằng sẽ cân đối ngân sách Nhà nước để đầu tư 50%, còn lại xã hội hóa 50%. Riêng các trường thuộc xã đặc biệt khó khăn, xã đảo, bãi ngang ven biển, hải đảo, các xã thuộc miền núi sẽ được Nhà nước đầu tư 100%.


Ông Nguyễn Sinh Cung cho biết, đối với việc xã hội hóa đầu tư thiết bị và máy tính, Sở GD-ĐT đã đề xuất cách tính học phí HS để hoàn vốn kinh phí đầu tư cho các nhà đầu tư. Đồng thời, sở sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan rà soát, tham mưu trình UBND tỉnh bổ sung, ban hành các chính sách, chế độ phù hợp đối với nhà đầu tư trong việc tổ chức xã hội hóa trong giáo dục. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của đề án để việc triển khai đạt hiệu quả.  

 

H.NGÂN



Hiện nay, ở cấp tiểu học, Tin học là môn tự chọn không bắt buộc, cấp THCS là môn tự chọn bắt buộc (HS lựa chọn trong số một vài môn), cấp THPT là môn học chính khóa. Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, đây sẽ là môn bắt buộc xuyên suốt lớp 3 đến lớp 9 với thời lượng 35 tiết/lớp/năm học; cấp THPT là môn tự chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của HS với thời lượng 70 tiết/lớp/năm học. Ngoài ra, còn có chuyên đề học tập Tin học theo hai định hướng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) và CS (khoa học máy tính), mỗi định hướng 35 tiết/lớp/năm học.


                      ----------------------------------------------------------------------

 

Đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn Tin học cấp THCS, THPT hiện đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy ở các trường phổ thông. Trong đó, THCS có 402 giáo viên, THPT 156 giáo viên. Đội ngũ giáo viên dạy Tin học ở cấp tiểu học còn thiếu; trong số 55 người đang giảng dạy có 28 giáo viên biên chế, 19 giáo viên hợp đồng và 8 giáo viên thỉnh giảng. Sở GD-ĐT đề xuất, việc tuyển dụng do UBND các huyện, thị xã, thành phố cân đối trong số lượng người làm việc do Sở GD-ĐT, UBND cấp huyện xây dựng hàng năm.