Nha Trang vừa tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non từ nguồn vốn ngân sách, vừa thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm huy động thêm nguồn lực cho giáo dục mầm non.
Kỳ 2: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất
Nha Trang vừa tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non (MN) từ nguồn vốn ngân sách, vừa thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm huy động thêm nguồn lực cho giáo dục MN.
Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất
Hiện nay, TP. Nha Trang có 19 trường MN đã đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, nhiều trường có cơ sở vật chất khang trang như: Hương Sen, 3-2, Hướng Dương, Lý Tự Trọng, 8-3…
Đến Trường MN Hướng Dương (phường Vĩnh Hải), trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, chúng tôi nhận thấy trường có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, trường lớp được đầu tư bài bản. Diện tích đất của trường đến 3.459m2; ngoài ra, còn gần 800m2 quy hoạch đường giao thông chưa sử dụng trường cũng đang quản lý để làm thêm sân chơi cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Việt Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 10 lớp với 280 trẻ, nhận cả trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi. Diện tích mỗi lớp học nếu tính cả hành lang, kho, nhà vệ sinh khoảng 130 - 150m2, mỗi lớp còn có 1 phòng cho bé nào muốn nghỉ ngơi riêng. Trường có nhiều khu vui chơi, góc cổ tích, nhà bóng, khu trồng trọt… Phường Vĩnh Hải có 1.575 trẻ, trong đó 2 trường MN công lập trên địa bàn tiếp nhận được khoảng 400 trẻ, 4 trường ngoài công lập, 9 nhóm trẻ. Tuy nhiên, nhu cầu cho trẻ ra lớp còn lớn (độ tuổi 18 - 24 tháng vẫn phải bốc thăm) nên trường đã kiến nghị xây dựng thêm 6 phòng học.
Trong những năm qua, thành phố rất quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục MN. Trong giai đoạn từ năm 2012 - 2016, thành phố đã đầu tư cho giáo dục MN hơn 163 tỷ đồng; các trường xây mới và cải tạo, nâng cấp đều đúng theo chuẩn quy định. Năm học 2017 - 2018, UBND thành phố đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới phòng học, phòng chức năng cho các trường MN: Vĩnh Thái, Vĩnh Thạnh, Phước Đồng, Vĩnh Hòa, Phương Sơn, Vĩnh Phương 1, Vạn Thạnh với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng.
Theo bà Phạm Thị Châu Anh - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang, thành phố đã ban hành đề án tăng cường cơ sở vật chất cho các trường MN TP. Nha Trang giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến, nguồn vốn thực hiện đề án cần khoảng 101,7 tỷ đồng. Thực hiện đề án, năm học 2018 - 2019, UBND thành phố đầu tư cơ sở vật chất cho một số trường để được công nhận chuẩn quốc gia như: MN Vĩnh Thạnh, Phước Đồng, Vĩnh Thái. Đối với các trường còn diện tích đất có thể xây thêm phòng học; các trường ở khu vực trung tâm không có quỹ đất, có thể nâng tầng để tăng thêm mỗi trường 4 - 5 lớp ở một số trường MN như: Hương Sen, 3-2, 8-3 để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ vào các trường có chất lượng, không làm tăng thêm bộ máy quản lý. Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường MN: Vĩnh Lương, Phước Đồng, Vĩnh Phương, Xương Huân, Vạn Thạnh, Vạn Thắng, Vĩnh Hải, Phước Tiến, Võ Trứ, Phước Long, Vĩnh Nguyên.
Tăng cường xã hội hóa
Song song với đề án trên, năm 2017, UBND TP. Nha Trang ban hành đề án xã hội hóa cơ sở vật chất giáo dục MN trên địa bàn TP. Nha Trang giai đoạn 2017 - 2020 với chủ trương đa dạng hóa các loại hình giáo dục, các nguồn đầu tư cho giáo dục MN. Theo đó, thành phố sẽ tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục MN bằng các hình thức xã hội hóa nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 huy động ít nhất 30% trẻ độ tuổi nhà trẻ, 90% trẻ độ tuổi mẫu giáo ra lớp, trong đó 100% trẻ 5 tuổi được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục MN. Đồng thời, duy trì và giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục MN cho trẻ em 5 tuổi, tiến tới phổ cập giáo dục MN trẻ 3 - 4 tuổi.
Thực hiện đề án, thành phố tăng cường rà soát quỹ đất để thực hiện xã hội hóa giáo dục MN nhằm giảm bớt đầu tư công ở một số địa bàn thuận lợi, dành ngân sách đầu tư cho những vùng khó khăn. Đến nay, có 1 trường MN trên địa bàn thành phố đã được đầu tư xây dựng theo chính sách đề án này, đó là Trường MN Họa Mi tại Khu đô thị VCN Phước Hải. Nếu các trường tư thục trước đây chỉ được hỗ trợ về chuyên môn thì trường đầu tư xã hội hóa theo đề án được hỗ trợ thuê đất ưu đãi. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đánh giá, trường được đầu tư bài bản, hiệu quả, thực hiện theo hình thức xã hội hóa đã góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Nhu cầu trẻ MN lớn, nhất là các trường công lập ở khu vực trung tâm nên TP. Nha Trang cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các trường công lập kết hợp với phân tuyến; đồng thời, thực hiện xã hội hóa, nhất là ở các khu đô thị mới.
NAM DU - MINH THIẾT
Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang: Thành phố đang thực hiện đề án đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống các trường học trên địa bàn thành phố, trong đó có khối MN. Theo đó, sẽ ưu tiên đầu tư xây mới trường MN ở khu vực các xã ngoại thành nhằm tạo điều kiện cho trẻ em nông thôn có cơ hội được học tập ở hệ thống trường công; ở khu vực nội thành, do quỹ đất eo hẹp, thành phố sẽ đầu tư nâng tầng, xây thêm, sửa chữa lại các phòng học tại các trường có cơ sở vật chất chật hẹp, xuống cấp. Mặt khác, thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục MN, thành phố đã đề xuất tỉnh chỉ đạo các chủ doanh nghiệp, dự án ở các khu đô thị mới rà soát lại quỹ đất dành cho giáo dục và tiến hành đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư xây mới các trường MN. Nếu quá thời hạn cam kết không đầu tư được thì bàn giao lại quỹ đất cho thành phố để thành phố đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. Qua đó, tăng dần tỷ lệ các trường MN trên địa bàn thành phố nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu ra lớp của các cháu.
___________________________________________
Hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang có 44 trường MN công lập, 24 trường MN tư thục và 2 trường MN dân lập (Trường MN SOS và Trường MN thực hành); 217 nhóm lớp tư thục (181 lớp đã được cấp phép và 62 nhóm trẻ tự phát chưa được cấp phép). Toàn thành phố có 23.734 trẻ độ tuổi MN ra lớp (nhà trẻ 4.904, mẫu giáo 18.333); trong đó, công lập 10.737 trẻ, ngoài công lập 12.997 trẻ. Tổng số trẻ từ 0 đến 6 tuổi là 41.467.