Chính thức "ra lớp" từ đầu năm học, tiết đọc thư viện đang thu hút học sinh tiểu học đến với thư viện nhà trường.
Chính thức “ra lớp” từ đầu năm học, tiết đọc thư viện đang thu hút học sinh (HS) tiểu học đến với thư viện nhà trường.
Hào hứng đọc
Trống ra chơi vừa điểm, HS khối 1 Trường Tiểu học Vĩnh Phương 1 (TP. Nha Trang) đã ùa về phía thư viện trường. Câu chuyện về mấy con vật ngộ nghĩnh, qua giọng kể truyền cảm của cô giáo Trương Thị Tường Vy, cùng nhiều câu hỏi tương tác đã khiến tiết đọc liên tục thay đổi không khí: lúc im phăng phắc, lúc xôn xao bàn luận. Tiết đọc tiếp theo của HS khối 2 cũng nhanh chóng trôi qua thật vui bởi sau khi nghe kể chuyện, các em lại được đóng vai nhân vật trong truyện… Chẳng em nào có cảm giác đang học bài, dù rằng kiến thức thu lượm qua tiết đọc không ít.
Cô Vy cho biết, tiết đọc thư viện được trường triển khai từ đầu năm học, mỗi tuần 1 tiết. 3 tuần đầu tương đối vất vả vì các cô vừa phải giới thiệu nội quy thư viện, phân nhóm, lại lo chọn truyện mới lạ, hấp dẫn, phù hợp lứa tuổi, nghĩ hệ thống câu hỏi, chuẩn bị vật dụng, tranh ảnh, chú ý giọng kể… Bù lại, các em nghe kể rất chăm chú, phát biểu sôi nổi, nhớ được nhiều chi tiết trong truyện.
Ở Trường Tiểu học Vạn Thắng (Nha Trang), ngoài tiết đọc tại thư viện xanh được tổ chức hàng tuần, HS có thể đọc sách khắp nơi: ở chiếu nghỉ cầu thang, ghế đá sân trường, dưới tán cây xanh mát… Đến đâu, các em cũng có thể dễ dàng lấy sách và thoải mái ngồi xuống đọc liền. Đặc biệt, nhà trường còn rèn cho HS ý thức giữ gìn sách. Đọc xong, các em tự giác đặt trả vào chỗ cũ. Với hơn 6.000 bản sách, được huy động hàng năm qua phong trào quyên góp, trao đổi sách, thư viện trường đủ cung cấp sách phục vụ HS.
Rèn thói quen đọc sách
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy - cán bộ thư viện Trường Tiểu học Vĩnh Phương 1 chia sẻ, trước đây, thư viện trường khá vắng vẻ do phòng đọc và kho lưu trữ sách chung một nơi; số đầu sách không nhiều, lại chỉ có hình thức cho mượn - tự đọc. Hiện nay, thư viện được cải tạo lại, sàn trải thảm xốp nhiều màu sắc và có những chiếc bàn thấp, giúp HS thoải mái ngồi đọc sách. Thư viện còn có nhiều góc viết, vẽ, góc trò chơi, tra cứu…, phù hợp với tâm lý lứa tuổi tiểu học. Sách ở thư viện được phân loại và mã màu để HS lựa phù hợp với trình độ...
Cuối tháng 9, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị công tác thư viện tại 2 trường tiểu học: Vĩnh Phương 1 và Vạn Thắng (Nha Trang) nhằm đánh giá, góp ý cho tiết đọc thư viện và công tác thư viện. Hết tháng 10, sau khi hoàn thành tập huấn chuyên đề cho cán bộ quản lý và nhân viên thư viện, tiết đọc thư viện sẽ được triển khai ra gần 190 trường tiểu học trong toàn tỉnh. Dự kiến, khoảng tháng 3-2019, ngành sẽ tổ chức hội thi Tiết đọc thư viện. |
Bên cạnh đó, việc tổ chức tiết đọc thư viện cũng góp phần quan trọng thu hút HS đến với sách. Bởi vẫn cuốn sách đó, nội dung đó, nhưng khi cùng đọc và bàn luận sôi nổi, các em có thể nói lên quan điểm của riêng mình, qua đó hiểu kỹ, nhớ lâu hơn và hứng thú với sách truyện; lâu dần sẽ tạo thói quen đọc sách kỹ lưỡng. Quản lý thư viện theo cách này vất vả hơn, nhưng không gian thân thiện đã giúp HS hào hứng khi đến tiết đọc thư viện. Ngoài ra, thư viện trường có nhiều đầu sách “độc”, khó tìm được tại hiệu sách. Đọc sách cùng cô và các bạn cũng giúp các em dễ dàng hiểu được nhiều ý nghĩa ẩn giấu trong câu chuyện.
Cô Nguyễn Thị Bích Phượng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Thắng tâm sự: “Trường tương đối nhỏ nên chúng tôi tận dụng bố trí góc thư viện thân thiện ở nhiều nơi với mong muốn giúp các em dễ dàng tiếp cận với sách. Khi được đáp ứng mọi điều kiện, các em thích đọc sách hơn; kỹ năng đọc hiểu của các em lớp lớn cũng được nâng lên. Chúng tôi rất vui bởi đến nay, đọc sách đã trở thành thói quen của 910 HS toàn trường. Thư viện xanh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và giúp các em yêu thích đến trường”.
Theo ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo), từ năm học 2017 - 2018, sở đã tiến hành tập huấn công tác quản lý và xây dựng thư viện thân thiện cho cán bộ quản lý, cán bộ thư viện nhà trường, nhưng chủ yếu trên lý thuyết. Năm học này, công tác trên đi vào thực tiễn hơn với việc triển khai chuyên đề công tác thư viện (gồm xây dựng thư viện thân thiện và tổ chức tiết đọc thư viện tại các trường). Đây cũng là lần đầu tiên sở tổ chức chuyên đề tiết đọc thư viện nhằm làm rõ hơn các hoạt động thư viện theo tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiết đọc có 4 hoạt động cụ thể: đọc to nghe chung; đọc theo nhóm; đọc đôi và đọc cá nhân. So với tiết kể chuyện trên lớp trước đây, tiết đọc tại thư viện có môi trường thân thiện hơn, HS ngồi nghe thoải mái hơn, lại thực hiện được nhiều hoạt động như: thảo luận nhóm, chia sẻ, diễn vai nhân vật. Việc đưa HS đến thư viện còn để thay đổi môi trường học ngoài khu vực lớp học. Bên cạnh đó, tiết đọc thư viện và thư viện thân thiện cũng giúp nhân viên thư viện ngày càng năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thư viện.
T.MAI
-------------