09:10, 07/10/2018

Cần được xem xét toàn diện hơn

Tại hội nghị góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức mới đây, đại diện các trường Đại học trên địa bàn tỉnh cho rằng, dự thảo cần được xem xét toàn diện hơn.

Tại hội nghị góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (ĐH) do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức mới đây, đại diện các trường ĐH trên địa bàn tỉnh cho rằng, dự thảo cần được xem xét toàn diện hơn.


Nhiều quan tâm về tự chủ, tự quản


Ở nước ta, quy định về tự chủ ĐH đã được luật hóa 20 năm trước trong Luật Giáo dục năm 1998. Từ đó đến nay, các quy định tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện cho phù hợp hơn. Tại hội nghị, các ý kiến đều thống nhất nhận định, bản dự thảo ngày 19-9 đã phản ánh rõ quan điểm tự chủ, trong đó, quy định rõ điều kiện để cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ; vấn đề tự chủ về khoa học, học thuật được đặt ra sát với nhu cầu thực tiễn. Quy định tự chủ về nhân sự, tổ chức cũng có nhiều điểm tiến bộ.


Tuy nhiên, vấn đề tự chủ tài chính, tài sản trong cơ sở giáo dục ĐH công lập cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật hiện hành. Việc quản lý các vấn đề về tài chính, tài sản của các trường ĐH công lập đã được điều chỉnh bởi pháp luật về quản lý tài sản công, pháp luật về kiểm toán nhà nước, pháp luật về quản lý tài chính nhà nước…; do đó không cần quy định cơ chế quản lý tài chính, tài sản riêng, mà chỉ cần dẫn chiếu tới các văn bản pháp luật chuyên ngành. Đại diện Trường ĐH Khánh Hòa nêu, việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo khả thi, đặc biệt với những trường mới thành lập.


Cũng liên quan đến vấn đề tự chủ, một số ý kiến tán thành quan điểm của dự thảo, đặt hội đồng trường là cơ quan quản lý cao nhất và trao quyền quyết định cho các trường trong việc quy định tiêu chuẩn, nhiệm kỳ của hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường. Điều này sẽ tạo sự chủ động cao cho các trường. Tuy nhiên, dự thảo còn quy định chung chung về tiêu chuẩn hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường, rất dễ áp dụng tùy tiện. Đại diện Trường ĐH Thông tin liên lạc đề nghị bỏ cơ chế chủ quản đối với trường ĐH để giúp các trường tự do trong quản lý, tự chủ tài chính và học thuật; vai trò của hội đồng trường cũng rõ nét, có thực quyền hơn. 

 
Cần xem xét toàn diện hơn

 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH ngày 19-9 sửa đổi, bổ sung 37 điều trong tổng số 73 điều của Luật Giáo dục ĐH năm 2012, chiếm gần 51%; tập trung vào 4 nhóm chính sách cơ bản: mở rộng phạm vi và nâng cao năng lực, hiệu quả tự chủ ĐH; đổi mới quản trị ĐH; đổi mới quản lý đào tạo; đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ ĐH. Dự thảo sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào cuối tháng 10.

Góp ý về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung luật, nhiều ý kiến cho rằng, điểm quan trọng nhất của dự thảo lần này là đã xóa bỏ sự khác biệt giữa mô hình quản lý trường ĐH công lập, ĐH tư thục và ĐH có vốn đầu tư nước ngoài.


Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi, bổ sung số lượng lớn các điều, khoản của Luật Giáo dục ĐH năm 2012. Điều này sẽ gây khó khăn trong tra cứu, theo dõi và áp dụng văn bản trong quá trình thực hiện. Mặt khác, các điều, khoản được sửa đổi, bổ sung liên quan đến hầu hết các vấn đề cơ bản, hết sức quan trọng của Luật Giáo dục ĐH năm 2012, như: đối tượng áp dụng, đổi mới quản trị ĐH, tự chủ cơ sở giáo dục ĐH, hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo… Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại phạm vi sửa đổi toàn diện luật, nghiên cứu xây dựng thành dự thảo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) thay vì dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH.


Đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng nêu, dự thảo luật chưa quy định trách nhiệm của trường ĐH đối với người học trong trường hợp việc liên kết đào tạo, nhất là liên kết đào tạo với quốc tế, không đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Dự thảo cần đặt ra yêu cầu kiểm tra định kỳ chất lượng bởi tổ chức kiểm định độc lập. Một số ý kiến đề nghị bỏ ĐH vùng vì mô hình này không còn phù hợp với thực tế, có phần kìm hãm sự phát triển, hạn chế sự tự chủ, độc lập của các trường thành viên. Nếu giữ mô hình này, đề nghị nghiên cứu lại cách thức, cơ chế hoạt động phù hợp.


NGUYỄN VŨ