05:09, 17/09/2018

Áp dụng học bạ và sổ liên lạc điện tử

Từ năm học này, bên cạnh tiếp tục thực hiện sổ điểm điện tử, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) còn triển khai học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử tại các trường THCS, THPT và các đơn vị trực thuộc.
 

Từ năm học này, bên cạnh tiếp tục thực hiện sổ điểm điện tử, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) còn triển khai học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử tại các trường THCS, THPT và các đơn vị trực thuộc.
 
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin 
 
Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa) là một trong những trường được Sở GD-ĐT cho triển khai thí điểm phần mềm quản lý điểm - SMAS (còn gọi là sổ điểm điện tử) từ năm học 2015 - 2016. Sau 2 năm, sở đã cho triển khai sổ điểm điện tử ở tất cả các trường THCS, THPT và các đơn vị trực thuộc. 

 

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi cập nhật thông tin học bạ điện tử.
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi cập nhật thông tin học bạ điện tử.
 
Thầy Trần Đắc Trường - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết, Ban giám hiệu đã phân quyền trên SMAS đến từng bộ phận và yêu cầu thường xuyên cập nhật kết quả rèn luyện của học sinh (HS). Trường đã triển khai 8 trạm phát wifi và được Viettel hỗ trợ kết nối 4 đường cáp quang, do đó, cán bộ, giáo viên có thể cập nhật kết quả ngay trên lớp; HS cũng có thể tìm kiếm thêm tài liệu trong một số giờ học. Song song với việc sử dụng học bạ giấy theo quy định, năm học vừa qua, trường còn thử nghiệm lập hoàn chỉnh học bạ điện tử cho khối 12 với cấu trúc như học bạ mẫu của bộ và xuất thử học bạ của một lớp để đối chiếu, đánh giá tính ưu việt. Trường cũng thử nghiệm sổ liên lạc điện tử để Ban giám hiệu và các bộ phận được cấp quyền có thể kiểm tra tình hình học tập, rèn luyện của HS, khi cần có thể gửi tin nhắn trao đổi với phụ huynh. 
 
Mới đây, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo áp dụng học bạ điện tử và sổ liên lạc điện tử tại các trường THCS, THPT và các đơn vị trực thuộc. Phần mềm được Viettel Khánh Hòa và VNPT hỗ trợ miễn phí. Theo ông Bùi Xuân Huy - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT), học bạ điện tử có giao diện cơ bản giống học bạ giấy, trong đó, mỗi HS được tạo lập một bộ hồ sơ điện tử về quá trình học tập và sắp xếp theo lớp. Phần mềm chạy trực tuyến nên có thể xử lý mọi lúc, mọi nơi, quản lý dữ liệu tập trung, chính xác; cho phép tự động xếp loại hạnh kiểm, học lực, tính toán tỷ lệ…, rất thuận lợi trong thống kê. 
 
Nhiều thuận lợi, nhưng chưa thống nhất mẫu 
 
Được biết, để nhập điểm, chỉnh sửa thông tin trên học bạ điện tử, giáo viên cần có xác nhận của ban giám hiệu để quản trị viên mở phần mềm. Sau khi hoàn thành, hệ thống tự động khóa và chuyển sang quyền xem. Mọi chỉnh sửa đều được lưu lại chi tiết. Do làm online nên giáo viên có thể chủ động thời gian phê học bạ điện tử. Đối với phụ huynh, sau khi đăng ký số điện thoại di động, họ có thể cập nhật kết quả học tập, rèn luyện của con mình qua tin nhắn SMS hoặc tra cứu trên website smsedu.smas.vn, mặc định chế độ xem (chỉ xem được học bạ của con mình). Học bạ điện tử cho phép lưu toàn bộ quá trình học tập của HS. Từ sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, có thể trích xuất thông tin ra sổ liên lạc điện tử để thông tin về HS hoặc các thông báo của trường. 
 
Theo thầy Trường, từ khi triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử, việc quản lý toàn diện các hoạt động dạy và học của trường thuận lợi, nhanh chóng, chính xác và có tính tương tác cao, mang lại hiệu quả trong quản lý. Các kết quả kiểm tra đánh giá chuyên cần, nề nếp, rèn luyện hàng ngày, theo dõi sức khỏe HS… được cập nhật kịp thời, chính xác, giúp lãnh đạo nhà trường, phụ huynh và HS có thể biết ngay. Ông Trần Mạnh Hải - phụ huynh HS lớp 12 C1 Trường THPT Nguyễn Trãi cho rằng sổ liên lạc điện tử tiện lợi. Ông không chỉ nắm sát mọi thông tin về kết quả học tập, rèn luyện của con mình mà còn có thể tương tác với các giáo viên. Đặc biệt, các thông báo nghỉ học, lịch kiểm tra… đều được cập nhật kịp thời tới phụ huynh, thay vì phải nhắn tin hoặc gọi điện thoại cho từng người như trước đây. Phụ huynh, HS cũng dễ dàng tra cứu lại kết quả những năm học trước để đánh giá mức độ tiến bộ. Mức phí dịch vụ sổ liên lạc điện tử khá hợp lý. Đặc biệt, nhà trường, đối tác còn linh động hỗ trợ các HS có hoàn cảnh khó khăn tham gia.
 
Thuận lợi đã rõ. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng còn vướng mắc. Thực tế, ngoài chủ trương nêu trong nhiệm vụ năm học, sau 3 năm triển khai sổ điểm điện tử, đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa quy định mẫu thống nhất. Học bạ điện tử và sổ liên lạc điện tử cũng vậy. Do đó, nếu HS chuyển học sang tỉnh khác mà tỉnh này chưa triển khai thì nơi chuyển đi không biết chuyển học bạ điện tử ra sao: nếu in ra bản giấy và đóng dấu chuyển thì quy cách thế nào, có cần dán ảnh như học bạ giấy, có cần từng giáo viên bộ môn ký xác nhận?... Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, do những bất cập trên nên tuy tất cả các đơn vị trực thuộc sở đã thực hiện sổ điểm điện tử nhưng vẫn phải in bản giấy để quản lý song song. Sở đang kiến nghị Bộ GD-ĐT ban hành văn bản quy định thống nhất thể thức, mẫu mã sổ điểm điện tử, học bạ điện tử và sổ liên lạc điện tử để các ứng dụng trên được triển khai đồng bộ trên toàn quốc, phát huy hiệu quả tối đa. 
 
TIỂU MAI