Năm học 2018-2019, một trong những mục tiêu của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa là đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.
Năm học 2018-2019, một trong những mục tiêu của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Khánh Hòa là đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS) phổ thông.
Có chuyển biến
Ông Võ Cao Vân, phụ huynh em Võ Cao Lân Vọng chia sẻ, 3 năm trước, con ông đủ điều kiện xét tuyển vào lớp 10 Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Nha Trang). Tuy nhiên, thấy con ham kỹ thuật, bản thân ông cũng coi trọng học đi đôi với hành, nên ông đã chỉ cho con thấy có thể học văn hóa kết hợp học nghề. Nghe cha phân tích, Vọng quyết định nộp hồ sơ vào học trung cấp nghề điện tử công nghiệp, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang. Cầm 2 tấm bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề, Vọng cho biết, năm học mới này, em đậu Đại học Nha Trang, ngành Quản trị du lịch. Tốt nghiệp đại học xong, có thể em sẽ học nghề tiếp, bởi bên cạnh nâng cao trình độ văn hóa, em muốn có tay nghề bài bản khi vào đời.
Trường hợp như Vọng hiện nay không còn hiếm. Ông Trần Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang cho biết, nhờ làm tốt công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp nên 3 năm qua, số HS tốt nghiệp THCS vào trường có xu hướng tăng. Năm học 2018-2019, đến thời điểm này, trường đã tiếp nhận khoảng 1.400 HS, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 5%; riêng HS tốt nghiệp THCS chiếm 50%.
Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT, 3 năm qua, công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho HS phổ thông chuyển biến đáng kể, đặc biệt trong năm học 2017-2018. Cùng với tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa trường học, trường nghề; phổ biến thông tin về các trường nghề, tỉnh có các cơ chế, chính sách hỗ trợ trường nghề, HS học nghề. Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025. Mới đây, sở cũng gửi công văn hướng dẫn thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông cấp THCS năm học 2018-2019. Theo đó, mỗi trường thành lập một tổ tư vấn hướng nghiệp, lồng ghép hoạt động giáo dục hướng nghiệp vào các môn học và hoạt động ngoài giờ. Giáo viên thực hiện giáo dục hướng nghiệp được tính giờ dạy học như dạy các môn học. Ở Nha Trang, Cam Ranh, Diên Khánh…, các trường học đã chủ động phối hợp tư vấn hướng nghiệp; giáo dục hướng nghiệp gắn với tham quan, trải nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang, Viện Hải dương học, các trại giống cây trồng, vật nuôi ở Diên Khánh, làng gốm Lư Cấm - Nha Trang… Các trường học cũng phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề lồng ghép tư vấn tuyển sinh, cung cấp thông tin về thị trường lao động.
Nhờ đó, HS có xu hướng chuyển dần sang chọn học những nghề phổ thông gắn với phát triển kỹ năng sống như: tin học, điện dân dụng, làm vườn, nấu ăn… Số HS sau tốt nghiệp THCS, THPT vào các trường nghề ngày càng tăng. Năm học 2015-2016, toàn tỉnh có gần 3.200 HS tốt nghiệp THCS, THPT vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có gần 1.700 HS tốt nghiệp THCS. Đến năm học 2017-2018, có hơn 5.200 em tốt nghiệp THCS, THPT đi học nghề, trong đó có gần 2.900 HS tốt nghiệp THCS.
Tiếp tục đẩy mạnh
Theo Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 UBND tỉnh vừa phê duyệt: Đến năm 2020, khoảng 55% trường THCS, 60% trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; ít nhất 30% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học sơ, trung cấp nghề và 40% HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học cao đẳng nghề. |
Tuy đã chuyển biến so với 3 năm trước, nhưng trong hơn 4.800 HS tốt nghiệp THCS không vào được lớp 10 năm học 2017-2018, mới có gần 2.900 HS vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, lãnh đạo ngành GD-ĐT tỉnh nhìn nhận, công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông vẫn còn hạn chế.
Vì vậy, năm học 2018-2019, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS. Các trường học cung cấp rộng rãi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu thị trường lao động; chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực HS; điều chỉnh nội dung, phương thức dạy; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá.
Trong năm học mới, sở sẽ quy hoạch, sắp xếp lại các trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện để thí điểm hình thành trường trung cấp vừa dạy văn hóa vừa dạy kỹ năng nghề ở cấp huyện; đánh giá mô hình kết hợp trung tâm giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cấp 2 bằng cho người học. Đồng thời, triển khai mô hình giáo dục nhà trường gắn với sản xuất kinh doanh của địa phương; tăng cường huy động các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, bảo đảm dạy học gắn lý thuyết với thực hành, thực tiễn; bảo đảm giáo dục cơ bản ở THCS phục vụ giáo dục hướng nghiệp và phân luồng hiệu quả, giúp HS định hướng tương lai.
TIỂU MAI