10:05, 29/05/2016

Mô hình Trường học mới: Chuyển biến tích cực trong dạy và học

Qua 3 năm triển khai thực hiện dự án mô hình Trường học mới (VNEN), chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh được đánh giá có những chuyển biến tích cực so với trước.

Qua 3 năm triển khai thực hiện dự án mô hình Trường học mới (VNEN), chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh được đánh giá có những chuyển biến tích cực so với trước.


Những chuyển biến


Ông Hà Văn Thông, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo - GD-ĐT) cho biết, khi mới triển khai mô hình VNEN, có nhiều ý kiến hoài nghi, không chấp nhận cho con học theo mô hình này. Về phía giáo viên, do cường độ làm việc cao hơn các lớp học bình thường nên gặp không ít áp lực. Trong khi đó, cơ sở vật chất một số trường còn khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động trong lớp học… Tuy nhiên, nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, đặc biệt là mời phụ huynh tham gia một số hoạt động giáo dục tại trường đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa và nhận được nhiều sự đồng tình. Thậm chí, không ít phụ huynh xin chuyển trường, chuyển lớp để con được học theo mô hình này.

 

Một tiết học theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang)
Một tiết học theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang)


Bà Nguyễn Thị Ngọc - Hội cha mẹ học sinh (HS) Trường Tiểu học Vĩnh Phương 1 (TP. Nha Trang) cho biết: “Khi trường triển khai mô hình VNEN (năm học 2012 - 2013), tôi và nhiều phụ huynh khác rất lo lắng vì không biết con mình có thể học và theo kịp các bạn hay không. Nhưng qua những lần được tham quan, dự giờ thăm lớp, tôi nhận thấy đây là mô hình học tập rất ưu việt. Các HS rất tích cực, chủ động trong giờ học, tiếp thu kiến thức rất nhanh, không khí học tập thân thiện và cởi mở…”.


Sở GD-ĐT nhận định, qua 3 năm triển khai, mô hình VNEN đã cho thấy tín hiệu khả quan về chất lượng giáo dục ở địa phương. Kết quả học tập của HS trên cả 3 lĩnh vực: kiến thức, năng lực, phẩm chất đều cao hơn so với HS các lớp học bình thường. Đặc biệt, qua việc tham gia các hoạt động trên lớp, các em đã mạnh dạn, tự tin hơn nhiều. Bà Hồ Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) chia sẻ, việc triển khai mô hình VNEN đã tạo chuyển biến tích cực trong chất lượng giáo dục của nhà trường. Giáo viên không còn dạy học theo phương pháp truyền thụ kiến thức một chiều mà là người tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ quá trình học tập của HS; đồng thời luôn linh hoạt, sáng tạo trong dạy học nhằm tạo hứng thú và không khí thoải mái trong lớp học. HS cũng tự tin, tự giác, năng động hơn trong các hoạt động ngoại khóa; tình trạng bỏ học của HS dân tộc thiểu số không còn. Ngoài ra, không thể không nói đến sự nhiệt tình ủng hộ và hỗ trợ đắc lực của phụ huynh trong các hoạt động giáo dục.


Nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên

 

Mô hình VNEN là dự án do Bộ GD-ĐT phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu (GPE) thực hiện. Đây là mô hình đổi mới phương pháp dạy và học, lấy HS làm trung tâm, giáo viên là người hướng dẫn, đồng hành với HS, giúp HS tự tìm hiểu và lĩnh hội kiến thức. Khánh Hòa là 1 trong 6 tỉnh trên toàn quốc được chọn thí điểm áp dụng mô hình này từ năm học 2011 - 2012 tại 4 trường tiểu học. Đến nay, toàn tỉnh có 43 trường tiểu học áp dụng mô hình này với gần 19.000 HS/610 lớp.

Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh sẽ có thêm 12 trường tham gia thực hiện mô hình VNEN. Mục tiêu lâu dài là tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đều tham gia mô hình này. Tuy vậy, việc áp dụng mô hình vẫn còn gặp không ít khó khăn. Thực hiện mô hình VNEN đòi hỏi các trường phải dạy 2 buổi/ngày; trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều trường chưa đảm bảo. Diện tích nhiều lớp học chưa đáp ứng tốt việc tổ chức các hoạt động học tập. Thêm nữa, giá bán sách hướng dẫn học theo mô hình VNEN khá cao so với sách giáo khoa hiện hành…


Theo ông Hà Văn Thông, để mô hình VNEN đạt hiệu quả cao, yếu tố cốt lõi là cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý năng động, mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đội ngũ giáo viên tâm huyết, nhiệt tình, sáng tạo. Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn cho các cán bộ, giáo viên. Bên cạnh đó, sở tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bản chất của mô hình VNEN, từ đó tạo được sự đồng thuận của xã hội trong việc thực hiện các bước đột phá nhằm tiến tới đổi mới toàn diện trong giáo dục.


K.D