Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, một trong những nhiệm vụ hàng đầu, có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc là đảm bảo cho hàng vạn con em miền Nam được cắp sách đến trường.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, một trong những nhiệm vụ hàng đầu, có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc là đảm bảo cho hàng vạn con em miền Nam được cắp sách đến trường. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên (GV) được đặt ra khẩn trương nhằm đáp ứng những đòi hỏi của sự phát triển lâu dài và vững chắc của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Ở Khánh Hòa, sau khi tỉnh nhà được giải phóng, chính quyền cách mạng đã tiếp quản các cơ sở giáo dục và tổ chức lại đội ngũ cán bộ quản lý, GV. Ngày 19-1-1976, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định thành lập Trường Sư phạm cấp II Nha Trang để thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng GV cấp II cho tỉnh Phú Khánh và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ.
Lãnh đạo tỉnh trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Trường Đại học Khánh Hòa cho ban giám hiệu nhà trường |
Sau khi có quyết định thành lập Trường Sư phạm cấp II Nha Trang, ngành Giáo dục tỉnh bắt tay ngay vào công tác tuyển sinh. Mặc dù được tổ chức trong điều kiện khó khăn, phức tạp của những năm đầu giải phóng, song công tác thi tuyển đã diễn ra an toàn và chu đáo. Ngày 1-4-1976, lễ khai giảng khóa học đầu tiên của trường được tổ chức trang nghiêm và đầy xúc động trong không khí vui tươi chào mừng kỷ niệm 1 năm ngày giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa. Khóa học đầu tiên gồm 700 giáo sinh từ nhiều nguồn, nhiều địa phương khác nhau, được tổ chức đào tạo ngắn hạn.
Trong 3 năm đầu (1976 - 1979), mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Trường Sư phạm cấp II Nha Trang đã từng bước xây dựng về mọi mặt và đào đạo được hơn 1.000 GV phổ thông cấp II cho các tỉnh: Phú Khánh, Thuận Hải và Đắk Lắk. Từ năm học 1979 - 1980, trường tập trung đào tạo GV phổ thông cấp II, trình độ cao đẳng (CĐ) hệ chính quy 3 năm cho tỉnh Phú Khánh và Thuận Hải. Công tác nghiên cứu khoa học được triển khai nhiều lĩnh vực. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, GV được bổ sung về số lượng và nâng cao chất lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, học tập được tăng cường.
Từ năm học 1988 - 1989, được sự cho phép của UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường đã liên kết với một số trường đại học (ĐH) ở khu vực phía nam đào tạo các chuyên ngành tại chức trình độ ĐH. Ngoài nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng GV cho ngành giáo dục, trường bắt đầu tham gia liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ ĐH các ngành khác cho tỉnh như: tiếng Anh, Tin học, Quản trị kinh doanh, Kế toán tài chính, Quan hệ quốc tế, Du lịch… Trường còn đảm nhận thêm nhiệm vụ đào tạo GV tiểu học trình độ trung học sư phạm và CĐ tiểu học; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý giáo dục cho các trường tiểu học và THCS. Đội ngũ cán bộ, giảng viên được chăm lo xây dựng một cách khẩn trương theo hướng tăng cường về số lượng và trình độ, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng như: các khu nhà học, nhà làm việc, nhà thí nghiệm thực hành, khu lao động thực nghiệm Suối Dầu.
Từ năm học 2000 - 2001, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về việc chuyển hướng mạnh mẽ, xây dựng nâng cấp trường thành một trường ĐH, bên cạnh việc chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, GV có trình độ chuyên môn cao, trường đã liên kết đào tạo hệ ĐH chính quy các chuyên ngành: Toán, Văn, Lý, Sử, Anh, Pháp và liên kết đào tạo liên thông ĐH, mở các lớp tại chức, hệ B trình độ cử nhân nhiều ngành đào tạo. Các loại hình đào tạo đa dạng theo mô hình trường ĐH đa ngành. Trường đã đào tạo được hơn 10.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH, phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của địa phương và khu vực.
Cùng với những thành tựu đổi mới, phát triển của đất nước và của tỉnh, Trường CĐ Sư phạm Nha Trang đã có sự phát triển mọi mặt về đội ngũ cán bộ, giảng viên, cơ sở vật chất, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học theo hướng ĐH đa ngành. Ghi nhận những thành tích và sự trưởng thành của tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên nhà trường, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã tặng cho trường nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất. Đặc biệt, ngày 3-8-2015, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1234 về việc thành lập Trường ĐH Khánh Hòa trên cơ sở Trường CĐ Sư phạm Nha Trang và Trường CĐ Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang.
Kế thừa truyền thống xây dựng và phát triển của các trường CĐ, Trường ĐH Khánh Hòa nhanh chóng đi vào hoạt động vững chắc. Năm học 2016 - 2017, bên cạnh việc tiếp tục đào tạo trình độ CĐ vốn là thế mạnh của hai trường trước đây, nhà trường sẽ tuyển sinh khóa đào tạo trình độ ĐH đầu tiên, gồm các ngành học: Sư phạm Toán, Sư phạm Vật Lý, Sư phạm Ngữ văn, Quản trị Kinh doanh Dịch vụ du lịch và lữ hành, Việt Nam học, Ngôn ngữ Anh…
Có thể nói, 40 năm qua là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu, cống hiến không ngừng của các thế hệ, cán bộ, giảng viên, công nhân viên, xây đắp nên những thành tựu to lớn cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của địa phương. Đó cũng là tiền đề cho việc thành lập và hoạt động của Trường ĐH Khánh Hòa.
TS. Chu Đình Lộc
- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa