11:03, 30/03/2016

Giúp trẻ thích thú làm quen với ngoại ngữ

Việc triển khai thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ tại một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bước đầu nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía phụ huynh và học sinh.

Việc triển khai thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ tại một số trường mầm non (MN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bước đầu nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía phụ huynh và học sinh (HS).


Học sinh hào hứng


Có mặt tại giờ học tiếng Anh của các bé lớp nhỡ 1, Trường MN 3-2 (TP. Nha Trang), chúng tôi cảm nhận được bầu không khí “học mà chơi, chơi mà học” rất sôi nổi và vui vẻ. Không dạy chữ một cách giáo điều, nặng nề, giáo viên (GV) đã khéo léo tạo nên sự tương tác qua lại liên tục giữa cô và trò khiến cho giờ học luôn tràn đầy hứng khởi. Các bé được khơi gợi trí tò mò và khả năng phản xạ nhanh đối với tiếng Anh thông qua các trò chơi, hoạt động thảo luận nhóm, hay múa hát theo các bài hát thiếu nhi. Các hình ảnh, tranh vẽ, video clip được sử dụng trong lớp học đều gắn với những sự vật thân thuộc hàng ngày, tạo môi trường gần gũi và tự nhiên cho trẻ khi tiếp nhận một ngôn ngữ mới.

 

Một buổi cho trẻ làm quen với ngoại ngữ tại Trường Mầm non 3-2
Một buổi cho trẻ làm quen với ngoại ngữ tại Trường Mầm non 3-2


 Theo dõi con là bé Lê Huỳnh Trúc Minh đầy hào hứng trong giờ học, chị Huỳnh Thị Huỳnh Nga cho biết: “Tôi thấy không khí lớp học rất thoải mái và vui vẻ. Cô giáo cũng có phương pháp dạy hay, giúp các bé dễ nhớ, dễ tiếp thu. Về nhà, bé đã biết gọi tên những sự vật thường ngày như hoa quả, màu sắc bằng tiếng Anh, biết dùng tiếng Anh để chào cô, chào mẹ. Điều quan trọng là tôi thấy bé vui vẻ, mạnh dạn và ham học hỏi hơn”.


Theo cô Cao Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường MN 3-2, việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh ở lứa tuổi MN được đa số phụ huynh đồng tình và đăng ký cho con theo học. Từ học kỳ 2 năm học 2015 - 2016, nhà trường đã đưa môn tiếng Anh vào triển khai ở 6 lớp với 120 HS, chiếm hơn 70% số HS ở độ tuổi 4 - 5 tuổi. Nhà trường ký hợp đồng với 2 GV của Công ty Cổ phần Giáo dục Đại Trường Phát để tổ chức mỗi tuần 2 tiết làm quen với ngoại ngữ cho các bé theo từng chủ đề, chủ điểm, nội dung phù hợp với lứa tuổi MN.


Sẽ tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm

 

Bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Việc thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ ở những nơi có điều kiện được Bộ GD-ĐT khuyến khích tại công văn 1303 ngày 18-3-2014, nhằm tạo cơ hội cho trẻ tiếp cận sớm với một ngôn ngữ mới và tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục học ngoại ngữ ở bậc học cao hơn. Khác với các cấp học khác, chương trình thí điểm làm quen với ngoại ngữ ở bậc MN không chú trọng vào khối lượng kiến thức mà được thực hiện một cách nhẹ nhàng, thoải mái thông qua các trò chơi, bài hát, tranh ảnh... Mục đích là tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ khi được làm quen với một ngôn ngữ mới. Đồng thời, không ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình GDMN, việc huy động trẻ ra lớp và phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Trường MN 3-2 là 1 trong 12 trường MN trên địa bàn tỉnh thực hiện thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ từ học kỳ 2 năm học 2015 - 2016. Các trường MN còn lại là: Lý Tự Trọng, Hương Sen, 8-3, Hồng Chiêm, Sơn Ca, Hướng Dương (TP. Nha Trang), Hoa Phượng (huyện Diên Khánh), Hướng Dương (huyện Cam Lâm), Hướng Dương (thị xã Ninh Hòa), Bình Minh (huyện Vạn Ninh), Hoa Mai (TP. Cam Ranh). Đây là những trường tự nguyện tham gia, được phụ huynh HS ủng hộ và đảm bảo một số điều kiện: cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động làm quen với ngoại ngữ của trẻ; GV có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngoại ngữ (hoặc cao đẳng ngoại ngữ) trở lên, đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương và được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm MN. Về nội dung dạy học, các trường sử dụng giáo trình Happy Hearts của Công ty Cổ phần Giáo dục Đại Trường Phát để thực hiện thí điểm cho trẻ 4 - 6  tuổi làm quen với ngoại ngữ. Chương trình được xây dựng với mục đích phát triển kỹ năng nghe, nói cho trẻ thông qua trò chơi, hình vẽ, âm nhạc, kể chuyện, bài thơ… Để triển khai tốt hoạt động này, từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức nhiều đợt tham quan, học tập tại TP. Đà Nẵng và tổ chức nhiều chuyên đề bồi dưỡng cho GV.

 

Theo bà Phạm Thị Châu Anh, Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP. Nha Trang: “Tỷ lệ phụ huynh tự nguyện đăng ký cho trẻ ở độ 4 - 6 tuổi tham gia học tại lớp tiếng Anh tại 7 trường trên địa bàn thành phố bình quân là 60 đến 70%, tùy từng trường. Qua hoạt động thăm lớp, dự giờ tại các trường, chúng tôi thấy bước đầu GV đã nắm được việc sử dụng các phương pháp dạy phù hợp với tâm sinh lý trẻ, có hình thức tổ chức lớp học, tạo được sự tương tác giữa GV và HS. Các bé cũng rất hứng thú và tích cực trong các giờ làm quen với tiếng Anh. Tôi cho rằng, ngoài việc triển khai cho trẻ làm quen tiếng Anh từ MN, cần nghiên cứu để có sự duy trì, tiếp nối cho trẻ học tiếng Anh ngay từ những năm đầu tiểu học” (hiện nay, HS bắt đầu học tiếng Anh từ năm học lớp 3).  


Bà Trần Thị Lãy, Trưởng phòng Giáo dục MN (Sở GD-ĐT) cho biết, vừa qua, sở đã tổ chức khảo sát nắm tình hình thực hiện thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ tại 12 trường MN nói trên. Theo ghi nhận bước đầu, các GV có trình độ chuyên môn đạt yêu cầu đề ra và tổ chức tốt các hoạt động cho trẻ. Tuy vậy, vẫn có một số vấn đề cần khắc phục liên quan đến nghiệp vụ sư phạm MN. Trong tháng 4, sở sẽ tổ chức hội nghị nhằm rút kinh nghiệm sau hơn 1 tháng triển khai thí điểm. Theo đó, hội nghị sẽ tổ chức cho một số GV dạy tốt tiến hành các tiết dạy minh họa để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động ở lớp.


H. NGÂN