10:04, 13/04/2016

Những điểm mới khi đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng

So với năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, năm nay, các quy định về xét tuyển đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều điểm được điều chỉnh theo hướng có lợi cho thí sinh.

So với năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, năm nay, các quy định về xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có nhiều điểm được điều chỉnh theo hướng có lợi cho thí sinh (TS).


Rút ngắn thời gian xét tuyển


Năm 2016, thời gian các trường tiến hành xét tuyển ĐH, CĐ sẽ được rút ngắn so với năm trước. Cụ thể, đợt 1 kéo dài từ ngày 1 đến hết ngày 12-8 (TS trúng tuyển nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường nhập học trước 17 giờ ngày 17-8, tính theo dấu bưu điện nếu nộp qua bưu điện); xét tuyển bổ sung đợt 1 từ ngày 21 đến hết ngày 31-8 (TS trúng tuyển nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường nhập học trước 17 giờ ngày 7-9). Xét tuyển bổ sung đợt 2 từ ngày 11 đến hết ngày 21-9 (TS trúng tuyển nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường nhập học trước 17 giờ ngày 26-9). Đối với các trường tuyển sinh riêng, thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 20-10 đối với hệ ĐH và 15-11 đối với hệ CĐ.

 

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại Khánh Hòa
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại Khánh Hòa


Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng


Ông Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, để khắc phục những bất cập của mùa tuyển sinh năm trước, năm nay, Bộ GD-ĐT quy định: đối với xét tuyển đợt 1, mỗi TS được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường TS chỉ được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Đối với các đợt xét tuyển bổ sung, mỗi đợt TS được đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Đặc biệt, năm nay TS không được thay đổi nguyện vọng trong từng đợt xét tuyển.


Năm nay cũng là năm đầu tiên hình thức tuyển sinh theo nhóm trường được thực hiện. Ông Dũng cho biết, đối với TS đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường tuyển sinh theo nhóm, các em có thể sử dụng số ngành tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 ngành trong đợt 1 và 6 ngành trong các đợt xét tuyển bổ sung) để ĐKXT vào nhiều trường trong nhóm và sắp xếp các ngành đã đăng ký theo thứ tự ưu tiên. Chẳng hạn, trong đợt 1, TS có thể ĐKXT vào 4 trường khác nhau trong nhóm nếu mỗi trường đăng ký 1 ngành, hoặc đăng ký vào 3 trường khác nhau trong nhóm nếu đăng ký 2 ngành vào 1 trường và 2 ngành còn lại đăng ký vào 2 trường. TS đã ĐKXT vào 2 trường trở lên trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trở lên trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được ĐKXT vào các trường ngoài nhóm.


Nhiều cách thức nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển


Nhằm giúp cho TS và phụ huynh bớt đi lại, giảm căng thẳng trong khâu nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ như năm trước, năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép TS nộp hồ sơ theo nhiều cách. Theo đó, trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, TS có thể nộp phiếu ĐKXT và phí dự tuyển qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên (tính theo dấu bưu điện) hoặc bằng phương thức trực tuyến hay theo phương thức khác do trường quy định. Dù nộp theo phương thức nào, hồ sơ cũng đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.


Lưu ý ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào


Căn cứ kết quả thi của TS tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 để xét tuyển ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Đối với trường CĐ, năm nay, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chỉ cần tốt nghiệp THPT.


Đối với các trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không được nhỏ hơn 6 điểm đối với hệ ĐH (theo thang điểm 10). Đối với hệ CĐ ở các trường này, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tốt nghiệp THPT.


Quy định là vậy, song theo ông Trần Ngọc Anh, Trưởng phòng GD thường xuyên - chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT), sẽ có những trường ĐH, CĐ có các tiêu chí phụ trong xét tuyển CĐ. Do đó, để đáp ứng điều kiện xét tuyển hệ CĐ do các trường quy định, TS cần tra cứu kỹ phương án tuyển sinh của các trường (qua website hoặc liên hệ trực tiếp) để chọn cụm thi (cụm thi tốt nghiệp hoặt cụm thi ĐH) và tổ hợp môn thi phù hợp.


Sở GD-ĐT đề nghị, trong thời gian từ khi TS ôn thi, tham gia thi đến khi đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, hiệu trưởng các trường phải có trách nhiệm quan tâm, liên hệ thường xuyên với phụ huynh, học sinh để theo dõi, hướng dẫn TS trong việc làm hồ sơ xét tuyển. Để tạo điều kiện thuận lợi cho TS tra cứu các thông tin tuyển sinh và cập nhật thông tin ĐKXT của các trường ĐH, CĐ, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các đơn vị có TS dự thi cần mở các phòng máy tính, bố trí cán bộ kỹ thuật để trợ giúp TS tra cứu và cập nhật thông tin.


H. NGÂN