11:05, 27/05/2015

Triển khai Thông tư 30: Bối rối... khen thưởng

Sau 1 năm học triển khai Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học, nhiều giáo viên, phụ huynh tỏ ra băn khoăn trong việc đánh giá và khen thưởng học sinh cuối năm.
 

Sau 1 năm học triển khai Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về đổi mới cách đánh giá học sinh (HS) tiểu học, nhiều giáo viên (GV), phụ huynh tỏ ra băn khoăn trong việc đánh giá và khen thưởng HS cuối năm. 
 
Đánh giá toàn diện

 

Học sinh lớp 5 tham gia hoạt động ngoại khóa.
Học sinh lớp 5 tham gia hoạt động ngoại khóa.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Thông, Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD-ĐT) Khánh Hòa cho biết, nếu như những năm học trước, HS tiểu học đạt danh hiệu HS tiên tiến, HS giỏi được trường tặng giấy khen, thì năm nay, do không sử dụng chấm điểm thường xuyên để đánh giá HS nên tiêu chí xét khen thưởng cũng khác. Theo Thông tư 30, hiệu trưởng các trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm (GVCN) họp với các GV bộ môn, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động GD khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng HS ở các mức độ: hoàn thành hoặc chưa hoàn thành, đạt hoặc chưa đạt. Bên cạnh đó, GVCN hướng dẫn HS bình bầu những bạn đạt thành tích tốt; tham khảo ý kiến cha mẹ HS để lập danh sách đề nghị khen thưởng. Việc ghi vào giấy khen (nếu có) về nội dung khen thưởng HS cũng rất linh hoạt do GVCN và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn. Ngoài giấy khen của trường dành cho HS, mỗi trường sẽ chọn 1 HS có thành tích nổi bật trong học tập và rèn luyện để Sở GD-ĐT tặng giấy khen.
 
Cô Phạm Thị Thúy Vân, GVCN lớp 1/1, Trường Tiểu học Phước Long 2 (TP. Nha Trang) cho biết, việc đánh giá HS theo Thông tư 30 là đánh giá toàn diện sự phát triển của các em chứ không phụ thuộc nhiều vào điểm số như trước. Điều đó không chỉ giảm áp lực về điểm số cho các em và phụ huynh, mà còn góp phần khích lệ, động viên các em phấn đấu vươn lên, mang lại niềm vui và hứng thú học tập, rèn luyện. 
 
Có cảm tính?
 
Ngày 27-5, sau lễ tổng kết năm học, con chị T., HS lớp 4 ở một trường tiểu học tại TP. Nha Trang buồn rầu vì không nhận được giấy khen như năm học trước. Chị T. được cô giáo cho biết, tuy điểm kiểm tra cuối năm của con chị cao hơn nhiều HS khác, nhưng vì cháu ít tham gia các hoạt động, phong trào của lớp nên không được xét khen thưởng. Ngược lại, có những bạn học lực yếu hơn nhưng có tiến bộ, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động thì được xét. Số lượng HS được khen thưởng ở trường cũng ít hơn so với năm trước. 
 
Trong khi đó, con chị M., học tại một trường tiểu học khác thì lại nằm trong số rất nhiều HS được nhận giấy khen. Chị M. cho biết, đi họp phụ huynh, chị thấy hầu như em nào cũng được khen thưởng theo các hình thức: Hoàn thành tốt nội dung học tập môn Tiếng Việt, có tiến bộ vượt bậc trong học tập môn Toán, có tiến bộ vượt bậc trong giao tiếp, có ý thức và trách nhiệm cao về tự phục vụ và tự quản... 
 
Theo Thông tư 30, nội dung, số lượng HS được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định. Do đó dẫn đến việc có trường siết chặt tỷ lệ HS được khen thưởng, trong khi ở trường khác, có rất nhiều em nhận được giấy khen. Nhiều phụ huynh cũng tỏ ra băn khoăn về việc đánh giá, khen thưởng HS còn cảm tính. Theo chị L., phụ huynh một HS lớp 2: “Thông tư hướng dẫn GV tham khảo ý kiến cha mẹ HS để lập danh sách đề nghị khen thưởng, nhưng cuối năm không thấy GV hỏi ý kiến của tôi. Việc hướng dẫn các HS bình bầu lẫn nhau cũng chỉ mang tính chất tham khảo, bởi HS tiểu học còn nhỏ nên việc đánh giá lẫn nhau còn mang tính chủ quan”. 
 
Ông Hà Văn Thông nhận định, ở đâu đó vẫn còn sự áp đặt, chủ quan của GV trong đánh giá HS. Không phải GV nào cũng theo sát sự tiến bộ của học trò và có cách đánh giá phù hợp để khuyến khích, động viên các em như tinh thần Thông tư 30. Bên cạnh đó, một trong những hạn chế trong việc thực hiện thông tư này là sự tham gia của phụ huynh HS còn hạn chế. Phụ huynh chủ yếu nắm tình hình của con mình thông qua sổ liên lạc với GV, nhưng ít người phản hồi lại bởi tâm lý e dè, sợ nói ra những điều chưa được, chưa tốt của con mình thì sẽ ảnh hưởng đến việc đánh giá con mình. Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện Thông tư 30 ở các trường, qua đó hỗ trợ, giúp đỡ GV thực hiện. Sở cũng sẽ tổ chức chuyên đề về đánh giá HS tiểu học, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong cách đánh giá HS. Đồng thời, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tư vấn cho GV cách ghi nhận xét, đánh giá.  
 
 
 
Nhiều ý kiến đồng tình
 
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số trường ở TP. Nha Trang, đa số giáo viên (GV), phụ huynh đều đồng tình với tinh thần đổi mới cách đánh giá học sinh (HS) tiểu học tại Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Đồng thời đề xuất một số giải pháp để việc đánh giá HS đúng thực chất hơn.
 

Cô Nguyễn Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Sài:
 
Thông tư 30 ra đời đã điều chỉnh, đổi mới được phương pháp dạy và học trên lớp. Bên cạnh đó, giúp GV theo dõi sát hơn quá trình học tập của HS, kịp thời phát hiện, động viên những cố gắng, tiến bộ của các em. Với Thông tư 30, áp lực điểm số không còn, tạo điều kiện cho những HS có học lực trung bình, yếu có cơ hội cố gắng học tập, không tự ti, xấu hổ vì điểm thấp. Nhưng đồng thời, áp lực cho GV lại tăng, GV mất nhiều thời gian để nghĩ ra những câu nhận xét sao cho phù hợp với học lực của HS, vừa ngắn gọn, dễ hiểu, lại có tác dụng khuyến khích, động viên các em. Bên cạnh đó, số lượng sổ sách nhiều, còn một số bất cập, ví dụ như sổ theo dõi GD in sẵn chỉ có cột danh sách đủ cho 35 HS, nhưng thực tế có lớp có số lượng cao hơn... 
 
Việc khen thưởng cuối học kỳ và năm học, GV có hướng dẫn các em bình bầu những bạn có học lực nổi bật để khen thưởng, tham khảo thêm ý kiến cha mẹ nhưng thật sự chưa khả thi, vì HS tiểu học chưa đủ chín chắn để đánh giá các bạn, và phụ huynh không phải ai cũng theo sát được con mình để đưa ra những đánh giá chính xác.
 
Cô Trần Thị Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xương Huân 1: 
 
Thông tư 30 mang tính nhân văn cao, giúp giải tỏa áp lực điểm số cho HS. Tuy nhiên, vì mới thực hiện nên GV còn bỡ ngỡ, nhiều phụ huynh chưa nắm bắt kịp. Bên cạnh đó, khối lượng công việc cho GV tăng lên nhiều. Như trước đây, chỉ cần kiểm tra bài rồi cho điểm, bây giờ GV phải suy nghĩ câu nhận xét sao cho vừa mang tính động viên, vừa cho các em thấy những điểm cần khắc phục. Khó nhất vẫn là suy nghĩ cách nhận xét các em sao cho không qua loa, đủ ý nhưng không quá dài. Tôi hy vọng qua một năm áp dụng, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng sửa đổi để giảm khối lượng công việc cho GV, giúp GV tập trung vào công việc giảng dạy nhiều hơn.
 
 
Ông Nguyễn Lâm Tuyền, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Phước 2:
 
Không chỉ tôi mà nhiều phụ huynh khác đều đồng tình và đánh giá cao tính nhân văn của Thông tư 30. Tôi cho rằng những lời nhận xét mang tính động viên, khuyến khích sẽ tốt hơn là việc cho điểm. Tôi vẫn hay kiểm tra vở học của cháu, thấy những lời động viên của GV như: Em cố gắng hơn nhé; em cần tập trung các phép toán nhân hơn... rất hay. Trước đây, mỗi lần có điểm thấp, con tôi lại buồn và chán nản, bây giờ nếu bài làm chưa tốt, cháu được cô giáo động viên bằng lời nhận xét, nên tích cực học hơn, phụ huynh chúng tôi cũng yên tâm hơn.
 
Ông Tống Việt Phương, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Xương Huân 1: 
 
Tôi đồng tình với Thông tư 30, vì giảm được gánh nặng điểm số cho HS. Tuy nhiên, việc không chấm điểm cũng có hạn chế, khiến HS đôi lúc ỷ lại, nghĩ rằng không học cũng không sao, không sợ điểm kém. Tôi mong rằng với Thông tư 30, các GV sẽ theo sát HS hơn, vừa động viên các em học tập, vừa kịp thời phát hiện khi có hiện tượng chểnh mảng, ỷ lại trong học tập. 
 
VĨNH THÀNH (ghi)
 
H.NGÂN