10:10, 01/10/2014

Phát triển sâu rộng phong trào học tập suốt đời

Cùng với cả nước, từ ngày 22-9 đến 5-10, các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhân "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời". Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết:

Cùng với cả nước, từ ngày 22-9 đến 5-10, các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhân “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”. Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết:


- Năm nay, chủ đề của “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” là “Học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc”. Mục đích của tuần lễ này nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Các hoạt động chính của tuần lễ này là treo băng rôn tuyên truyền; tổ chức triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách; mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, công chức; tập huấn khởi sự doanh nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ, tư vấn về nghề nghiệp cho thanh niên, đoàn viên; phát động phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” trong các cơ sở GD... Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh còn triển khai thí điểm xây dựng mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị.


- Được biết, những năm qua, ngành GD-ĐT đã có nhiều hoạt động đưa phong trào này phát triển sâu rộng trong cộng đồng. Ông có thể cho biết cụ thể các hoạt động ngành đã triển khai?

 


- Ngành GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học các cấp và các cơ quan thông tấn tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, cơ sở GD phát động phong trào học tập suốt đời và xây dựng hội khuyến học ở các đơn vị này; đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”; kiện toàn tổ chức bộ máy các trung tâm học tập cộng đồng. Ngoài ra, tổ chức khen thưởng kịp thời các tấm gương điển hình vượt khó trong học tập, đạt thành tích cao trong các kỳ thi, gương người tốt, việc tốt trong công tác chống mù chữ, phổ cập GD...


Song song đó, ngành đẩy mạnh việc củng cố và phát triển mạng lưới các cơ sở GD, đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Đến nay, hệ thống trường lớp trên địa bàn tỉnh đã mở rộng đến khắp các địa bàn với nhiều loại hình GD. Cuối năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh có 182 trường mầm non, 185 trường tiểu học, 114 trường THCS, 31 trường THPT, 9 trung tâm giáo dục thường xuyên, 5 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; 137 trung tâm học tập cộng đồng, 2 trường trung cấp chuyên nghiệp, 5 trung tâm ngoại ngữ, tin học và hơn 70 cơ sở ngoại ngữ, tin học.


- Ông có thể cho biết kết quả các mục tiêu xây dựng xã hội học tập trong những năm qua?


- Công tác xóa mù chữ, đặc biệt là chống tái mù chữ không ngừng được củng cố, duy trì và nâng cao về tỷ lệ đạt được. 100% huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn về xóa mù chữ, phổ cập GD tiểu học và THCS.


Về nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức và người lao động: gần 66% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý theo vị trí công tác. Hơn 83% cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin. Gần 46% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ A, B, C và cao đẳng, đại học. 67% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có trình độ học vấn THPT hoặc tương đương; hơn 81% công nhân lao động có tay nghề cao ở các ngành kinh tế mũi nhọn và 42% công nhân đã qua đào tạo nghề.


Bên cạnh đó, năm 2013 có gần 90.000 lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất tại các trung tâm học tập cộng đồng. Toàn tỉnh đã mở hơn 100 lớp đào tạo nghề nông thôn với hơn 3.000 người và 15 lớp khoa học kỹ thuật cho hơn 800 người; có khoảng 15.000 học viên đã tham gia học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ tại các cơ sở GD...


- Để phong trào học tập suốt đời ngày càng phát triển sâu rộng, ngành GD-ĐT sẽ tập trung những nội dung gì trong thời gian tới, thưa ông?


- Trong thời gian tới, ngành sẽ triển khai tốt hơn công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc trong nhận thức cũng như hành động của các tầng lớp nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền; đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân xây dựng xã hội học tập, đưa phong trào khuyến học, khuyến tài đi vào chiều sâu, triển khai tốt Đề án “Xây dựng xã hội học tập đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”; nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng theo hướng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân; nhân rộng mô hình dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề tại một số trung tâm giáo dục thường xuyên; tham mưu UBND tỉnh ban hành một số chính sách, chế độ về xây dựng xã hội học tập...


- Xin cảm ơn ông!


THẢO LY (Thực hiện)