20:11, 10/10/2023

Đưa kiến thức pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số

NGUYỄN VŨ

Ủy ban Dân tộc vừa tổ chức Hội thảo kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trong điều kiện mới khu vực Nam Trung Bộ năm 2023. Tại hội thảo, trên cơ sở đánh giá công tác PBGDPL cho ĐBDTTS thời gian qua, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này thời gian tới. 

Triển khai đồng bộ, chặt chẽ 

Theo bà Phạm Thị Phước An - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác dân tộc địa phương, năm 2023, toàn khu vực có 788 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 1.598 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 11.592 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, 4.290 người có uy tín trong ĐBDTTS. Công tác PBGDPL được triển khai đồng bộ, chặt chẽ từ cấp tỉnh đến tận thôn, tổ dân phố. Các cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh đã tổ chức gần 60 hội nghị, lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL cho ĐBDTTS với hơn 6.000 lượt người tham gia; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật; phát hơn 30.000 tờ rơi, 5.000 tờ gấp tuyên truyền, PBGDPL cho ĐBDTTS; xây dựng 17 câu lạc bộ điểm để định hướng nghề nghiệp cho ĐBDTTS và phát huy vai trò người có uy tín trong ĐBDTTS; lồng ghép PBGDPL với các chương trình, đề án khác; tăng cường trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở… Nội dung PBGDPL cơ bản phù hợp với thực tiễn địa phương.

Ông Y Thông (bìa trái) trao đổi cách phổ biến, giáo dục pháp luật với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông (bìa trái) trao đổi với những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Hòa.

Tại tỉnh Khánh Hòa, theo đồng chí Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, từ năm 2021 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp tổ chức 36 hội nghị PBGDPL, 3 hội thi tìm hiểu pháp luật cho hơn 3.000 lượt người. Các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong ĐBDTTS tích cực vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị địa phương. Riêng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, từ năm 2020 đến nay đã phối hợp tổ chức 16 lớp tập huấn, 10 hội nghị, 5 hội thi; phát hành hơn 500 tài liệu tuyên truyền cho hơn 2.500 lượt người. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng phối hợp cấp phát gần 105.000 tài liệu, gần 3.600 đầu sách, hơn 190.000 tờ rơi; tổ chức hơn 2.500 buổi tuyên truyền pháp luật cho hơn 240.000 người. Đội vận động quần chúng của các đồn biên phòng kết hợp PBGDPL với vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động...

Đề xuất nhiều giải pháp

Bên cạnh hiệu quả bước đầu, theo bà Phạm Thị Phước An, việc PBGDPL vẫn nặng về phong trào; cách triển khai còn nặng tính truyền thống, chủ yếu xuất phát từ mong muốn của cơ quan quản lý. Năm 2022, toàn khu vực còn 129.160 hộ nghèo, trong đó 99.722 hộ ĐBDTTS nghèo. Thực tế, nhu cầu PBGDPL cho ĐBDTTS còn rất lớn.

Để nâng cao chất lượng PBGDPL cho ĐBDTTS, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tất Viễn - nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp), cần ứng dụng công nghệ số để PBGDPL cho nhiều đối tượng, hiệu quả và tiết kiệm hơn. Trước mắt, tiếp tục PBGDPL kiểu truyền thống, gắn với công nghệ số; ưu tiên tuyên truyền miệng; tuyên truyền qua hoạt động cộng đồng, lễ hội truyền thống, các hình thức văn hóa, văn nghệ, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, truyền thông cơ sở. Ông Trương Văn Phương - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Yên cho rằng, cần PBGDPL phù hợp về thời gian, đối tượng, địa bàn, tập trung vào các lĩnh vực: An toàn giao thông; đất đai, tài nguyên môi trường; khiếu nại, tố cáo; bình đẳng giới; an toàn thực phẩm; phòng, chống tệ nạn xã hội...; chú trọng phát huy hiệu quả mô hình điểm. 

Một số ý kiến đề nghị tiếp tục phát hiện, tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn đưa vào đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và quan tâm bồi dưỡng đội ngũ này về kiến thức, kỹ năng diễn thuyết, trao đổi, tổ chức hội thi, tọa đàm, giao lưu; đẩy mạnh PBGDPL bằng tiếng dân tộc thiểu số; ưu tiên nguồn lực PBGDPL cho các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, ĐBDTTS; tiếp tục nhân rộng các tổ tự quản…

Theo Thiếu tá Huỳnh Tấn Sĩ - trợ lý dân vận, Phòng Chính trị (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), cần tiếp tục PBGDPL theo hướng làm thay đổi một cách sâu sắc cách nghĩ, cách nhìn, hành động và việc làm của người dân đối với việc tuân thủ và thực hiện pháp luật, và phải làm thường xuyên, liên tục; bởi xét về bản chất, PBGDPL là đưa chính sách, pháp luật đến với người dân, làm cho họ hiểu, từ đó tự giác tuân thủ, thực hiện pháp luật và tích cực, chủ động tham gia phòng, chống vi phạm pháp luật. Có như vậy, pháp luật mới thực sự đi vào cuộc sống của ĐBDTTS. 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông: Công tác PBGDPL cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp với hình thức đa dạng, nội dung bám sát thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu, phong tục, tập quán của khu vực, địa phương. Việc thông tin pháp luật đầy đủ, kịp thời góp phần tạo sự đồng thuận, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định chính trị, trật tự xã hội.

NGUYỄN VŨ