22:37, 27/04/2023

Tăng cường xây dựng quy trình làm việc an toàn

Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 31-5 với nhiều hoạt động hướng về cơ sở. Trao đổi về nội dung này, ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa cho biết:

Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Những năm qua, nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người lao động, công tác ATVSLĐ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra, trong đó có nhiều vụ rất nghiêm trọng. Riêng trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 38 vụ TNLĐ làm 43 người bị nạn, trong đó có 17 người chết và 12 người bị thương nặng. Các lĩnh vực, công việc để xảy ra TNLĐ nhiều là thi công công trình xây dựng, cơ khí, chế biến, bảo quản thủy sản, khai thác và sản xuất sản phẩm từ gỗ.

Do vậy, để góp phần thay đổi nhận thức và hành động của người sử dụng lao động và người lao động, Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay được triển khai với chủ đề: “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”. Việc triển khai tháng hành động nhằm thúc đẩy các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động và người lao động, cộng đồng quan tâm thực thi nghiêm pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, giải pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động và phòng, chống TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

- Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay sẽ có những hoạt động nổi bật nào, thưa ông?

- Trong tháng hành động năm nay, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ cho cán bộ, công chức, viên chức, người sử dụng lao động và người lao động địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác quản lý, triển khai chính sách, pháp luật về công tác ATVSLĐ từ cấp tỉnh đến cấp xã và trong các ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật ATVSLĐ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ rủi ro cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, như: Thi công xây dựng công trình, cơ khí, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và các đơn vị có sử dụng nhiều thang máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Trong đó, chú trọng đến việc xây dựng nội quy, quy trình, giải pháp làm việc an toàn và điều kiện lao động thực tế tại nơi làm việc của các doanh nghiệp; huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, người lao động làm công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp; tập huấn, hướng dẫn xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý về công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; tổ chức hội nghị đối thoại giữa Hội đồng ATVSLĐ tỉnh với người sử dụng lao động, người lao động để lắng nghe, nắm bắt và kịp thời giải đáp, hướng dẫn những vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan về ATVSLĐ...

- Để Tháng hành động về ATVSLĐ diễn ra đạt hiệu quả cao, các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương cần làm gì, thưa ông?

- Các sở, ban, ngành, địa phương cần bám sát các nội dung, nhiệm vụ được giao tại kế hoạch của UBND tỉnh để triển khai thực hiện. Trong đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cấp xã, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, phù hợp; lựa chọn những hình thức phù hợp để phát động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân tham gia hưởng ứng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về công tác ATVSLĐ.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Trong đó, quan tâm bố trí người làm công tác ATVSLĐ, y tế; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, huấn luyện ATVSLĐ, khám sức khỏe cho người lao động; kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; thực hiện tốt công tác tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, khắc phục các yếu tố, nguy cơ TNLĐ tại nơi làm việc; hướng dẫn các đơn vị, bộ phận trực thuộc triển khai các chương trình, hành động về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung, xây dựng nội quy, quy trình, giải pháp làm việc an toàn tại các phân xưởng, nhà máy, thiết bị; đầu tư máy, thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, môi trường làm việc an toàn, thân thiện…

- Xin cảm ơn ông!

VĂN GIANG (Thực hiện)