Năm 2023 là năm thứ 2 toàn tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của tỉnh. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã gặp gỡ, ghi lại những suy nghĩ, mong muốn, kỳ vọng của đại diện doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trước thềm năm mới.
Năm 2023 là năm thứ 2 toàn tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của tỉnh. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã gặp gỡ, ghi lại những suy nghĩ, mong muốn, kỳ vọng của đại diện doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trước thềm năm mới.
. Ông Laurent Myter - Tổng Quản lý Tập đoàn The Anam: Thị trường du lịch quốc tế sẽ khởi sắc trong năm 2023
Sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch quốc tế (ngày 15-3-2022), lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng đáng kể và liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới (trên 50%) trong những tháng tiếp theo. Điều này cho thấy sự quan tâm đến du lịch Việt Nam của du khách trong và ngoài nước rất lớn. Là một điểm du lịch hấp dẫn, Khánh Hòa cũng đã được hưởng lợi rất nhiều từ những nỗ lực này, nhất là khi có sân bay quốc tế Cam Ranh. Những tháng gần đây, chúng ta đã có nhiều hơn các chuyến bay trực tiếp từ Hàn Quốc, Bangkok (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia), Kazakhstan. Nhưng về tổng thể, việc khôi phục thị trường khách quốc tế vẫn còn khá chậm. Tuy nhiên, tôi tin rằng trong năm 2023, du lịch Khánh Hòa sẽ phục hồi mạnh mẽ và sâu rộng hơn, nhất là ở thị trường khách quốc tế. Để du lịch phục hồi tốt, chúng ta cần sớm xúc tiến khai thác trở lại các chuyến bay trực tiếp từ các nước khác.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa có các điểm tham quan, du lịch giàu giá trị như: Suối khoáng nóng Tháp Bà, Nhà thờ Núi Nha Trang, thác Ba Hồ, Tháp Bà Ponagar, Bảo tàng Hải dương học, chùa Long Sơn, cánh đồng muối Hòn Khói và nhiều điểm thu hút du khách khác. Chúng ta cần quảng bá những hoạt động và điểm du lịch đó ra thế giới. Về lâu dài, để đảm bảo phát triển du lịch theo hướng bền vững, cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ tổng thể, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; thu hút sự tham gia tích cực và nhiệt tình hơn nữa của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và toàn thể cộng đồng trong việc bảo tồn di sản tự nhiên để chúng giữ được nét nguyên sơ.
X.T (Ghi)
. Ông Nguyễn Tân - thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm:
Tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho lao động
Trong năm 2023, tôi mong muốn Cụm Công nghiệp Trảng É trên địa bàn xã đi vào hoạt động, tạo thêm nhiều việc làm ổn định với thu nhập cao cho lao động trong xã; mong muốn Nhà nước tiếp tục chăm lo cho đầu ra nông sản, triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững; đa dạng hơn nữa nguồn thu nhập của nhân dân; chú trọng phát huy tốt hơn tiềm năng du lịch của mảnh đất Suối Cát…
H.Đ (Ghi)
. Ông Nguyễn Văn Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh:
Mong được hỗ trợ phát triển logistics
Năm 2023, công ty sẽ lập dự án đầu tư mới nâng công suất bến cảng 1 từ 30.000DWT lên 50.000DWT, bến cảng 2 từ 50.000DWT lên 70.000DWT nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu bốc dỡ hàng hóa, phục vụ các khách hàng lớn, tiềm năng, tăng doanh thu và nâng cao thu nhập cho người lao động. Vì vậy, tôi kỳ vọng tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về các thủ tục để tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian đầu tư các dự án mới.
Bên cạnh đó, để Cảng Cam Ranh phát triển đúng với tiềm năng và lợi thế, công ty đề xuất tỉnh nghiên cứu quy hoạch trung tâm logistics, coi cảng biển là mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics. Đồng thời, hỗ trợ, cung cấp thông tin và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các sự kiện, triển lãm về logistics ở trong nước và nước ngoài. Tỉnh cũng cần triển khai các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, ứng dụng điều hành quản lý giao thông thông minh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, giảm thời gian lưu chuyển hàng hóa; hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực logistics; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực công thương, hải quan, thuế, giao thông vận tải… nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
VĂN KỲ (Ghi)
. Đặng Thế Truyền - thanh niên khởi nghiệp với sản phẩm chế biến từ xoài (huyện Cam Lâm):
Phát triển du lịch gắn với quảng bá, tiêu thụ nông sản
Khởi nghiệp với mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chế biến từ xoài của Cam Lâm, thời gian qua, thương hiệu CamLamOnline của chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Tỉnh đoàn, Huyện đoàn Cam Lâm để tham gia các chương trình, hội nghị, hội chợ kết nối cung, cầu, giao lưu học hỏi các mô hình thanh niên khởi nghiệp. Qua đó, giúp chúng tôi tiếp cận được với thị trường tiêu thụ mới, phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp đến với người tiêu dùng.
Năm 2023, tôi kỳ vọng các cấp chính quyền sẽ có cơ chế thuận lợi hơn để các dự án, mô hình khởi nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, tạo cơ hội cho các dự án phát triển, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tôi mong muốn các ngành, cơ quan chức năng của tỉnh, huyện tiếp tục cùng các doanh nghiệp có những sản phẩm du lịch mới gắn với trải nghiệm, tiêu thụ nông sản, sản phẩm đặc trưng của các địa phương trên địa bàn tỉnh như: Xoài Cam Lâm, bưởi da xanh Khánh Vĩnh, sầu riêng Khánh Sơn... Từ đó, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù hỗ trợ tích cực cho quảng bá, tiêu thụ nông sản các địa phương....
VĨNH THÀNH (Ghi)