Nhận thấy vai trò quan trọng của mạng lưới an toàn vệ sinh viên, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm xây dựng đội ngũ an toàn vệ sinh viên, cải thiện điều kiện làm việc, kịp thời phát hiện nguy cơ rủi ro, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm bảo vệ sức khỏe, bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Nhận thấy vai trò quan trọng của mạng lưới an toàn vệ sinh viên (ATVSV), các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm xây dựng đội ngũ ATVSV, cải thiện điều kiện làm việc, kịp thời phát hiện nguy cơ rủi ro, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm bảo vệ sức khỏe, bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Quan tâm mạng lưới an toàn vệ sinh viên
Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh (Khu Công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm) là doanh nghiệp chế biến thủy sản, đang tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động. Trong quá trình sản xuất, đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt, đơn vị quan tâm xây dựng đội ngũ ATVSV với gần 40 thành viên phân bổ đều ở các phân xưởng, tổ, đội. Các thành viên được tăng cường, bổ sung, kiện toàn kịp thời khi có sự thay đổi, biến động. Hàng năm, mạng lưới ATVSV được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng. Anh Lê Văn Thành - công nhân, ATVSV của công ty chia sẻ: “Nhiệm vụ của chúng tôi là theo dõi, hướng dẫn, nhắc nhở tất cả công nhân thực hiện đúng quy định an toàn lao động; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động để kiến nghị lãnh đạo doanh nghiệp khắc phục, bảo đảm an toàn cho người lao động. Gần 10 năm làm ATVSV, tôi nhận thấy, những kiến nghị của chúng tôi đều được đơn vị đáp ứng tốt. Từ đó, giúp công nhân an tâm làm việc, gắn bó với đơn vị”. Chính những công việc thầm lặng của các ATVSV đã và đang góp phần xây dựng môi trường lao động an toàn trong doanh nghiệp.
Tại Nhà máy Thuốc lá Khatoco Khánh Hòa (TP. Nha Trang), mạng lưới ATVSV có 30 thành viên. Các thành viên phần lớn là người lao động trực tiếp nên họ nắm rất rõ việc vận hành máy móc, thiết bị sản xuất, thao tác kỹ thuật. Do vậy, nếu có những bất thường, họ đều phát hiện và xử lý kịp thời để tránh xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo lãnh đạo Nhà máy Thuốc lá Khatoco Khánh Hòa, mạng lưới ATVSV có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để lãnh đạo doanh nghiệp nắm bắt, lắng nghe nguyện vọng, kiến nghị của người lao động trong thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Thông qua họ, doanh nghiệp đã kịp thời điều chỉnh, khắc phục sự cố lao động; xây dựng môi trường lao động an toàn tuyệt đối, không để xảy ra tai nạn lao động. Để khuyến khích, động viên mạng lưới ATVSV hoạt động ngày càng hiệu quả, đơn vị đã nâng phụ cấp lên 200.000 đồng/người/tháng và thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng…
Cần xây dựng rộng khắp
Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 75% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã thành lập mạng lưới ATVSV với 2.337 người. Các doanh nghiệp đã ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới ATVSV sau khi thống nhất ý kiến với ban chấp hành công đoàn cơ sở, có chế độ phụ cấp cho đội ngũ này. Các ATVSV thực hiện tốt nghĩa vụ của mình như: đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn người lao động trong tổ, đội, phân xưởng chấp hành nghiêm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, bảo quản các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân; giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, nội quy an toàn, vệ sinh lao động, phát hiện những thiếu sót, vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động… Bên cạnh đó, mạng lưới ATVSV cũng phát huy vai trò nòng cốt trong vận động người lao động tích cực tham gia các phong trào “Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”…
Hiện nay, có khoảng 60% ATVSV hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người lao động. Tuy nhiên, mạng lưới ATVSV vẫn chưa được phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Đa phần những đơn vị có tổ chức công đoàn mới thương lượng thành lập được mạng lưới ATVSV, còn hầu hết những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ chưa thành lập được. Bên cạnh đó, hoạt động của mạng lưới ATVSV chưa đồng đều, nhiều nơi còn hình thức, đối phó; chưa quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các ATVSV. Đặc biệt, trong các đơn vị kinh tế tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đội ngũ ATVSV rất ít. Trong khi đó, người lao động chỉ chú trọng đến năng suất lao động để có thu nhập nên ít quan tâm đến vai trò của mình với tư cách là ATVSV…
Ông Bùi Thanh Bình - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, mạng lưới ATVSV có vai trò rất quan trọng. Do vậy, các đơn vị, doanh nghiệp cần quan tâm xây dựng rộng khắp, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ này. Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu đưa việc thành lập mạng lưới ATVSV vào quy định bắt buộc. Có như vậy, những quy định về an toàn, vệ sinh lao động mới được thực hiện tốt hơn trong quá trình lao động, sản xuất.
VĂN GIANG