Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn Thạc sĩ Trần Văn Hưng - Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ về việc triển khai chiến lược này.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn Thạc sĩ Trần Văn Hưng - Trưởng phòng Dự báo, Đài KTTV Nam Trung Bộ về việc triển khai chiến lược này.
- Xin ông cho biết tình hình đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất của Đài KTTV Nam Trung Bộ trong thời gian qua để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo KTTV?
- Những năm qua, được sự đầu tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mạng lưới quan trắc KTTV của đài đã được nâng cấp hiện đại, đồng bộ; chuyển dần từ đo thủ công sang tự động, đan dày các trạm quan trắc ở vùng núi, vùng sâu, qua đó đảm bảo cung cấp số liệu phục vụ kịp thời cho công tác giám sát các hiện tượng KTTV, phòng, chống thiên tai. Đến năm 2022, mạng lưới trạm KTTV có 29 trạm KTTV hải văn cơ bản, 168 trạm tự động (khí tượng, thủy văn, hải văn đo gió, mưa); 3 trạm định vị sét; 2 trạm ra đa thời tiết. Trong đó, có 3 trạm khí tượng hải văn đảo gồm trạm Trường Sa, Song Tử Tây và Phú Quý. Về công nghệ dự báo, đài đã đưa vào sử dụng phần mềm dự báo thời tiết Smart Met của Phần Lan; hệ thống mô hình dự báo lũ (Mike 21, Mike Flood), mô hình dự báo thời tiết (WRF) của dự án ODA Italia; mô hình dự báo hải dương (ROMS) và các mô hình, phần mềm chuyên dụng khác. Tháng 3-2022, Tổng cục KTTV chính thức triển khai hệ thống CDH (Center Data Hub) cho toàn ngành. Đây là hệ thống tích hợp các phần mềm hiện đại nhất về thu nhận dữ liệu từ các trạm; khai thác các mô hình dự báo khí tượng, thủy văn, hải văn; khai thác các dữ liệu vệ tinh, ra đa… để phục vụ công tác dự báo.
- Tuy nhiên, hiện nay, công tác dự báo, cảnh báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vậy, việc đầu tư máy móc, thiết bị và con người trong thời gian tới như thế nào để đáp ứng yêu cầu mà chiến lược đề ra, thưa ông?
- Biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, tác động đến các hoạt động tự nhiên và con người; hình thái thời tiết và khí hậu cực đoan càng phức tạp như: nắng nóng, hạn hán, bão mạnh, lũ lớn dị thường và cực đoan. Cùng với sự phát triển của khoa học hiện đại, ngành KTTV có nhiều công cụ hỗ trợ như: ảnh mây vệ tinh, ảnh radar và những mô hình dự báo thời tiết sát thực tế. Tuy nhiên, dù hiện đại đến đâu vẫn có những hạn chế nhất định. Việc dự báo với thời hạn càng xa thì sai số càng lớn. Ngoài ra, yêu cầu về mức độ chi tiết cũng như tính chính xác của các bản tin dự báo ngày càng cao cũng là những thách thức mà ngành KTTV phải đối mặt.
Thời gian tới, Đài KTTV Nam Trung Bộ tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm hệ thống trạm KTTV, trong đó có trạm ra đa thời tiết Trường Sa, điểm tiền tiêu đón bão trên biển Đông. Ngoài ra, đài được giao thực hiện các đề tài, dự án như: Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo thiên tai nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn; xây dựng công nghệ dự báo tác động và cảnh báo rủi ro do bão, áp thấp nhiệt đới và lũ tại các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ và một số đề tài, dự án phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khu vực Nam Trung Bộ cũng như tỉnh Khánh Hòa.
- Xin cảm ơn ông!
Vĩnh Lạc (Thực hiện)