10:12, 29/12/2021

Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020

Với sự quyết tâm, nỗ lực trong triển khai và thực hiện, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành tốt Cuộc điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020...

Với sự quyết tâm, nỗ lực trong triển khai và thực hiện, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành tốt Cuộc điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020. Đây là cuộc điều tra chọn mẫu quy mô lớn trên phạm vi cả nước, được tiến hành vào ngày 1-7-2020 theo Quyết định số 1695 ngày 31-12-2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Kết quả được tổng hợp từ cuộc điều tra này đã phác thảo những nét cơ bản về sự đổi thay vùng nông thôn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. 

 

Một góc vùng nông thôn xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh.
Một góc vùng nông thôn xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh.
 
Khánh Hòa là tỉnh ven biển, có chiều dài bờ biển gần 300km, nằm ở vị trí trung tâm của các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 5.199,6km2, dân số năm 2020 là 1,24 triệu người. Theo kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020, tại thời điểm 1-7-2020, khu vực nông thôn ở tỉnh Khánh Hòa có 98 xã, 482 thôn, giảm 1 xã và 13 thôn so với thời điểm 1-7-2016.
 
Số hộ và số nhân khẩu khu vực nông thôn có sự biến động do quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa nông thôn, nhất là địa bàn nông thôn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã thu hút ngày càng nhiều lao động. Tại thời điểm 1-7-2020, khu vực nông thôn tỉnh Khánh Hòa có 193.732 hộ, tăng 22.652 hộ (+13,2%) so với thời điểm 1-7-2016 với 719.486 người, tăng 71.975 người (+11,12%).
 
Kết cấu hạ tầng nông thôn và môi trường nông thôn được tăng cường 
 
Qua cuộc điều tra cho thấy, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn tỉnh Khánh Hòa về điện, giao thông, thủy nông, trường học, thiết chế văn hóa, trạm y tế và hạ tầng bảo vệ môi trường sinh thái được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Theo đó, cả tỉnh có 100% xã và thôn có điện; hệ thống lưới điện quốc gia đã bao phủ 477 thôn, chiếm 98,96% tổng số thôn khu vực nông thôn. Tỷ lệ hộ sử dụng điện tăng từ 99,65% thời điểm 1-7-2016 lên 99,99% thời điểm 1-7-2020. 
 
Tại thời điểm 1-7-2020, tỷ lệ xã có đường ô tô từ trụ sở UBND xã đến trụ sở UBND huyện chiếm 96,94% tổng số xã khu vực nông thôn; 474/482 thôn (chiếm 98,3%) có đường xe ô tô đi đến được; 97/98 xã (chiếm 98,98%) có đường trục xã được rải nhựa, bê tông hóa.
 
Mạng lưới trường, lớp được phát triển ổn định theo quy hoạch, phù hợp với việc phát triển hạ tầng của các vùng dân cư trong tỉnh. Theo kết quả điều tra, 100% xã có trường mẫu giáo/mầm non và trường tiểu học; 75/98 xã có trường trung học cơ sở, chiếm 76,53%; 8/98 xã có trường trung học phổ thông, chiếm 8,16% (cùng thời điểm năm 2016 tỷ lệ này lần lượt là 97,98%; 100%; 72,73%; 7,07%). Thành tựu nổi bật nhất của hệ thống hạ tầng giáo dục khu vực nông thôn những năm qua là số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia tăng đáng kể. Tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia của các trường mẫu giáo/mầm non tăng từ 83,7% năm 2016 lên 89,99% năm 2020; tiểu học tăng từ 80,7% lên 92,19%; trung học cơ sở tăng từ 88% lên 96,10%; trung học phổ thông năm 2020 đạt 100%. Năm 2020, tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia của trường mẫu giáo/mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông của các xã miền núi đạt lần lượt là 65,52%; 77,78%; 82,61% và 100%.
 
Hệ thống y tế cơ sở ở Khánh Hòa luôn được củng cố, mở rộng và phát triển; khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ y tế thuận lợi hơn. Theo kết quả điều tra, toàn tỉnh có 98/98 xã có trạm y tế, đạt tỷ lệ 100%; 98/98 trạm y tế xã được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, đạt tỷ lệ 100% và 93 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, chiếm 94,9% tổng số xã. Các tuyến y tế xã, thôn được tăng cường về nhân lực; đội ngũ cán bộ y tế tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tại thời điểm 1-7-2020, toàn tỉnh có 29 trạm y tế xã có bác sĩ, chiếm 29,59% tổng số trạm y tế xã, với 35 bác sĩ (bình quân mỗi trạm y tế xã có 1,21 bác sĩ). 
 
Hạ tầng văn hóa, thông tin và thể thao khu vực nông thôn tiếp tục được bổ sung hoàn thiện với nhiều loại hình hoạt động. Tại thời điểm 1-7-2020, toàn tỉnh có 67 xã có nhà văn hóa xã, đạt tỷ lệ 68,36% và tăng 20 xã so với năm 2016; 90 xã có điểm bưu điện, đạt 91,83% và tăng 5 xã; 63 xã có sân thể thao, đạt 64,29%; 11 xã có thư viện, đạt 11,22%; 98 xã có hệ thống loa truyền thanh cấp xã, đạt 100% trong tổng số xã. 
 
Cùng với đó, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Những công trình cấp nước sinh hoạt ở vùng nông thôn không chỉ đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân mà còn góp phần hiện đại hóa bộ mặt nông thôn.
 
Từng bước phát triển dịch vụ hỗ trợ kinh tế nông thôn và phi nông nghiệp 
 
Với các điểm giao dịch được mở rộng, hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng ở nông thôn thực sự trở thành nguồn cung ứng vốn quan trọng thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tiếp cận vay vốn đầu tư cho sản xuất; nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thuộc vùng khó khăn có thêm vốn ưu đãi để sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, có điều kiện cho con em học tập và phát triển kinh tế. Tại thời điểm 1-7-2020, toàn tỉnh có 12 xã có ngân hàng/chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động, chiếm 12,24% tổng số xã và tăng 33,33% so với cùng thời điểm năm 2016; có 5 xã có quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 5,1% và gấp 2,5 lần. 
 
Công tác đầu tư và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo. Theo kết quả điều tra, toàn tỉnh có 75 xã có chợ, chiếm 76,53% tổng số xã (trong đó, có 27 xã miền núi, vùng cao và hải đảo, chiếm tỷ lệ 36%; 48 xã đồng bằng chiếm 64% xã có chợ). Trong tổng số xã có chợ, có 70 xã có chợ được xây dựng kiên cố, bán kiên cố, chiếm 71,43% và tăng 1,45% so với cùng thời điểm năm 2016. Ngoài ra, có 281 cơ sở/cửa hàng thu mua sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản ở các địa phương trong tỉnh; có 43 hợp tác xã cung cấp giống cây trồng, vật nuôi và vật tư cho sản xuất nông, lâm, thủy sản; 95 xã có điểm/cửa hàng cung cấp giống cây trồng, vật nuôi và vật tư, nguyên liệu cho sản xuất nông, lâm, thủy sản.
 
Nhiều làng nghề, ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống được khôi phục và mở rộng; trong đó, ưu tiên việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển các sản phẩm của nghề truyền thống, gắn với điểm du lịch, tuyến du lịch; đồng thời tạo việc làm, thu nhập và sinh kế bền vững cho người dân. Theo kết quả điều tra ngày 1-7-2020, toàn tỉnh có 4 xã và 4 thôn có làng nghề, chiếm 4,1% tổng số xã và 0,83% tổng số thôn. Năm 2020, các làng nghề có 548 cơ sở sản xuất hoạt động, thu hút 1.109 lao động, bình quân mỗi làng nghề có 137 cơ sở sản xuất và 277,25 lao động.
 
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp, đạt kết quả tương đối toàn diện
 
Những năm qua, với các chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, bộ máy chính quyền, hệ thống doanh nghiệp cũng như các tầng lớp nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã từng bước triển khai và đạt được những kết quả tích cực. Nông thôn có nhiều đổi mới, diện mạo khang trang; đời sống nhân dân được cải thiện; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh; chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được chú trọng; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp phát huy hiệu quả. Tính đến cuối năm 2020, Khánh Hòa có 56/92 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 60,8% (vượt 3 xã so với Nghị quyết của Tỉnh ủy); không còn xã dưới 10 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bình quân chung trên địa bàn tỉnh là 16 tiêu chí/xã. 
 
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP của tỉnh giai đoạn 2018 - 2021 đã triển khai xây dựng kế hoạch tập trung chuẩn hóa 52 sản phẩm đã có; trong đó, triển khai trên địa bàn tất cả các xã có sản phẩm chủ lực của địa phương như: sầu riêng, chuối, mía tím (Khánh Sơn), xoài (Cam Lâm) và bưởi da xanh (Khánh Vĩnh). 
 
Kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp xã cả về số lượng và chất lượng
 
Bộ máy chính quyền cấp xã có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Kết quả điều tra cho thấy, bộ máy chính quyền cấp xã ngày càng được tăng cường cả về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và số lượng, chất lượng của cán bộ chủ chốt của xã cũng được nâng lên. Tại thời điểm 1-7-2020, các xã có 441 cán bộ chủ chốt (Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch), tăng 4,26% so với năm 2016. Trong đó, có 75 cán bộ nữ/441 cán bộ chủ chốt (chiếm 17,01%), tăng 13,6% so với năm 2016. Trình độ của cán bộ chủ chốt cấp xã đã nâng lên đáng kể. Trong đó, về trình độ chuyên môn: Tỷ lệ cán bộ chủ chốt có bằng cấp từ đại học trở lên tăng từ 57,7% năm 2016 lên 88,21% năm 2020; tỷ lệ cán bộ có bằng trung cấp, cao đẳng giảm từ 35,9% năm 2016 xuống 11,79% năm 2020. Về trình độ lý luận chính trị, tỷ lệ cán bộ chủ chốt qua các lớp bồi dưỡng từ sơ cấp trở lên tăng từ 99,1% năm 2016 lên 99,77% năm 2020; 
trong đó, tỷ lệ cán bộ được bồi dưỡng trình độ cao cấp được nâng lên từ 22,7% năm 2016 lên 29,93% năm 2020. 
 
Điều kiện làm việc của lãnh đạo xã ngày càng được duy trì, tăng cường. Tỷ lệ trụ sở làm việc của UBND xã được kiên cố hóa tăng từ 89,9% năm 2016 lên 95,92% năm 2020. Bên cạnh đó, việc áp dụng tin học trong công tác của Đảng ủy, HĐND và UBND xã cũng được đẩy mạnh. Tỷ lệ trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND và UBND xã có máy vi tính đạt 100%; trong đó, 97,96% xã có trụ sở làm việc của xã kết nối internet và tỷ lệ xã có trang thông tin điện tử tăng từ 12,12% năm 2016 lên 85,71% năm 2020. Điều này giúp nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến tại cơ sở.
 
Kết quả từ Cuộc điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về khu vực nông thôn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư phát triển sơ sở hạ tầng nông thôn khang trang, hiện đại, góp phần đưa kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng và chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Với những nền tảng sẵn có, nông thôn Khánh Hòa đang từng bước nỗ lực đổi mới, tận dụng cơ hội, lợi thế để tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
 
Lê Thị Trúc Phương
(Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa)