10:03, 03/03/2021

Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm qua, điều kiện khí hậu thay đổi khiến nhiều diện tích đất trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả trên địa bàn huyện Vạn Ninh không còn phù hợp. Do vậy, địa phương đã nghiên cứu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, qua đó đem lại hiệu quả cao.

Những năm qua, điều kiện khí hậu thay đổi khiến nhiều diện tích đất trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) không còn phù hợp. Do vậy, địa phương đã nghiên cứu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, qua đó đem lại hiệu quả cao.


Hiệu quả thấy rõ


Gia đình ông Nguyễn Nở (xã Xuân Sơn) có hơn 3ha đất trồng lúa và mía. Thế nhưng, do điều kiện khí hậu có nhiều thay đổi, nguồn nước tưới tiêu trở nên khó khăn khiến cây lúa, mía đem lại hiệu quả không cao. Được địa phương hướng dẫn, ông đã tiến hành chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Ban đầu, ông trồng xoài và mít Thái trên diện tích 1ha; đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống tưới, mua phân bón. Qua 2 năm chăm sóc, cây trồng phát triển tốt, cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/vụ. Thấy hiệu quả, ông đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng mía, lúa sang trồng mít, xoài, dừa xiêm.

 

Diện tích đất trồng mía trước đây đã được người dân chuyển sang trồng dưa hấu đem lại hiệu quả cao.

Diện tích đất trồng mía trước đây đã được người dân chuyển sang trồng dưa hấu đem lại hiệu quả cao.


Ông Lê Xuân Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết, toàn xã có 75% hộ làm nông nghiệp. Những năm gần đây, nhiều diện tích trồng lúa, hoa màu đã không còn phù hợp, năng suất thấp. Do vậy, địa phương đã khảo sát và hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng. Tính từ năm 2017 đến nay, địa phương đã chuyển đổi hơn 144,6ha đất của hơn 200 hộ với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,2 tỷ đồng. Hiện nay, trên diện tích chuyển đổi, cây trồng phát triển tốt, cho năng suất, lợi nhuận cao. Chẳng hạn như cây đậu phụng đạt 3,5 tấn/ha, lãi hơn 40 triệu đồng/ha (trong khi cây lúa chỉ lãi 10 triệu đồng/ha)…


Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện, huyện đã chỉ đạo 13 xã, thị trấn tiến hành khảo sát những khu vực đất nông nghiệp kém hiệu quả và đăng ký thực hiện chuyển đổi cây trồng. Đồng thời, huyện tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, điều chỉnh, bổ sung diện tích. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, huyện đã thực hiện chuyển đổi hơn 138,6ha của 280 hộ tham gia với tổng kinh phí thực hiện hơn 2,1 tỷ đồng. Trong đó, chuyển đổi 81,2ha đất trồng lúa kém hiệu quả; chuyển đổi 57,3ha đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Sau khi chuyển đổi, huyện đều lập đoàn tiến hành nghiệm thu, đánh giá hiệu quả và theo dõi tiến độ, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đã đăng ký.


Tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi


Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện vẫn gặp những khó khăn nhất định. Đó là, tình hình thời tiết diễn biến thất thường nên chưa thực hiện theo đúng kế hoạch ban đầu đã đăng ký. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh nên nông dân ngại chuyển đổi với quy mô lớn, nhất là chuyển đổi cây trồng trên đất lúa.


Ông Lê Xuân Bảy cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ thực hiện khảo sát toàn bộ lại diện tích đất nông nghiệp, trên cơ sở đó đánh giá để đăng ký chuyển đổi. Đồng thời, lựa chọn những giống cây trồng năng suất cao, giá trị thương phẩm cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và tổ chức các hội nghị đầu bờ để đánh giá hiệu quả kinh tế trong việc chuyển đổi.

 
Theo ông Lê Hồng Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện, để tránh lãng phí đất đai trong phát triển nông nghiệp và đem lại năng suất cây trồng cao cho người dân, huyện đã chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Huyện sẽ thực hiện ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP); tăng cường hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân. Bên cạnh đó, huyện đề nghị các hội, đoàn thể phối hợp với ngành chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật; hướng dẫn cách chăm sóc, phòng, chống sâu bệnh trên cây lâu năm, cây ăn quả; hỗ trợ người dân vay vốn với lãi suất thấp, tạo điều kiện cho người dân đầu tư cơ sở vật chất, cây con giống, phân bón để phát triển sản xuất; khuyến khích các tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người dân…


VĂN GIANG