10:03, 22/03/2021

"Khát" lao động chất lượng cao

Hiện nay, nguồn lao động chất lượng cao trên địa bàn tỉnh còn khá hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Do vậy, việc đào tạo, thu hút lao động chất lượng cao là vấn đề cần sớm được giải quyết.

Hiện nay, nguồn lao động chất lượng cao trên địa bàn tỉnh còn khá hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư. Do vậy, việc đào tạo, thu hút lao động chất lượng cao là vấn đề cần sớm được giải quyết.


Khan hiếm lao động tay nghề cao


Thời gian qua, hàng loạt nhà thầu phụ thi công tại dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 liên tục gửi đăng ký tuyển dụng khoảng 1.400 lao động kỹ thuật chất lượng cao tới các ngành chức năng với mức lương từ 10 đến 90 triệu đồng/tháng. Cụ thể như: Công ty Jurong Engineering Limited; Công ty TNHH Komipo Vân Phong Power Service; Công ty TNHH Balanced Engineering And Construction PTE LTD; Công ty IHI Corporation; Công ty Toshiba Energy Systems - Solutions Corporation Nhật Bản; Công ty CTCI Corporation… Tuy nhiên, qua các phiên giao dịch việc làm, các DN đều chưa tuyển dụng được lao động theo yêu cầu. Bà Nguyễn Thị Oanh - Điều phối viên hành chính Công ty Jurong Engineering Limited cho biết: “Chúng tôi cần tuyển lao động kỹ thuật có tay nghề, trình độ và kinh nghiệm. Thế nhưng, qua nhiều lần tham gia tuyển dụng, đến nay, đơn vị vẫn chưa tuyển đủ số lao động so với nhu cầu. Hầu hết lao động trên địa bàn tỉnh mà chúng tôi tiếp cận đều thiếu tay nghề, kinh nghiệm thấp. Do vậy, chúng tôi phải tính toán đến việc đưa các chuyên gia, lao động kỹ thuật từ nước ngoài vào”.

 

Công nhân kỹ thuật tại Công ty TNHH MTV Phát triển  trang phục phụ nữ kiểu Pháp.

Công nhân kỹ thuật tại Công ty TNHH MTV Phát triển trang phục phụ nữ kiểu Pháp.


Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong chia sẻ, hiện nay, có 2 DN về chế tạo máy đăng ký tuyển 60 kỹ sư nhưng nhiều năm qua vẫn chưa tuyển được người nào đáp ứng nhu cầu. Tại các DN thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 chỉ có 2 kỹ sư là người Khánh Hòa đang làm việc, số còn lại chủ yếu là người ngoài tỉnh và lao động nước ngoài. Điều này cho thấy, hiện nay, nguồn lao động kỹ thuật, kỹ sư có tay nghề trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế.


Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, vì thiếu lao động kỹ thuật chất lượng cao nên sau khi tuyển dụng lao động, nhiều DN buộc phải tổ chức đào tạo lại tay nghề, kỹ năng cho lao động. Đơn cử, có một thời gian, Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam sau khi tuyển dụng lao động kỹ thuật phải tổ chức đưa ra nước ngoài đào tạo lại tay nghề rồi mới đưa về nước để làm việc.


Cần chính sách thu hút, đào tạo nhân lực


Từ thực tế trên, đã đến lúc các cấp, ngành, địa phương cần khẩn trương khảo sát nhu cầu nhân lực của các DN trên địa bàn tỉnh, nhất là DN trong các khu, cụm công nghiệp, Khu Kinh tế Vân Phong. Trên cơ sở đó, có chương trình, kế hoạch tuyển sinh, đào tạo lao động chuyên sâu theo nhu cầu để cung ứng cho các DN. Đặc biệt, cần tính toán đến nhân lực chất lượng cao cung ứng cho các nhà máy, DN đang đầu tư, xây dựng ở Khu Kinh tế Vân Phong khi đi vào hoạt động. Cùng với đó, có định hướng chuyển đổi nghề nghiệp, chính sách đào tạo nghề cho một bộ phận lao động đang làm những ngành nghề có xu hướng thu hẹp như: Nuôi trồng, đánh bắt hải sản gần bờ, nông nghiệp…

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Các sở, ban, ngành, địa phương cần xác định nhu cầu nhân lực để xây dựng phương án cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần có chương trình hành động về phát triển nguồn nhân lực riêng; tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, người lao động đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật; chú trọng đào tạo chuyên sâu cán bộ kỹ thuật; lựa chọn những cán bộ trẻ, người lao động đủ năng lực để hỗ trợ học tập ở nước ngoài. Đồng thời, tổng hợp nhu cầu nhân lực ở các DN để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp và thu hút DN tham gia liên kết đào tạo nhân lực, nhất là nguồn lao động kỹ thuật chất lượng cao…

Bên cạnh đó, trong chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh mới chỉ chú trọng đến nhân lực trong các cơ quan quản lý nhà nước, còn nhân lực phục vụ cho hoạt động kinh doanh, sản xuất chưa được quan tâm đáng kể. Do vậy, tỉnh cần cân đối lại sự phát triển của các ngành nghề để có sự đầu tư tương xứng. Để tạo ra đội ngũ công nhân, kỹ thuật lành nghề, vận hành được máy móc hiện đại, tay nghề cao, tỉnh cần liên kết và giao trách nhiệm đào tạo cho các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, tỉnh cần có cơ chế, chính sách trong thu hút nhân tài, các nhà khoa học, công nhân kỹ thuật lành nghề đến làm việc trên địa bàn tỉnh; xây dựng môi trường làm việc an toàn, thân thiện; có chính sách hỗ trợ các DN trong đào tạo lao động chất lượng cao.


Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian tới, sở sẽ khảo sát nhu cầu nhân lực của các DN, nhất là DN đang đầu tư vào kinh tế biển, Khu Kinh tế Vân Phong. Từ đó, sở sẽ xây dựng chính sách, kế hoạch cung ứng, đào tạo, hỗ trợ nhân lực chất lượng cao tham mưu UBND tỉnh xem xét triển khai; chỉ đạo, hướng dẫn các trường nghề tập trung tuyển sinh, đào tạo những ngành nghề theo nhu cầu của DN; liên kết đào tạo và đào tạo chuyên sâu tay nghề cho lao động của DN, đáp ứng nhân lực phục vụ cho các dự án, hoạt động của các nhà máy, DN đã, đang và sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sở sẽ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo lại tay nghề cho hơn 5.000 lao động trong các DN vừa và nhỏ; đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho hơn 12.000 lao động nông thôn, bị thu hồi đất phục vụ các dự án...


VĂN GIANG