Xác định những khó khăn trong quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử, Chi cục Thuế thành phố Nha Trang đã và đang tăng cường thực hiện các giải pháp chống thất thu thuế lĩnh vực này.
Xác định những khó khăn trong quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), Chi cục Thuế TP. Nha Trang đã và đang tăng cường thực hiện các giải pháp chống thất thu thuế lĩnh vực này.
Một số kết quả
Thời gian qua, Chi cục Thuế TP. Nha Trang gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) quản lý các sàn giao dịch TMĐT lớn gồm: Công ty TNHH Recess (Lazada), Công ty TNHH Shopee (Shopee), Công ty Cổ phần TiKi (TiKi), Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (Sendo) phối hợp cung cấp thông tin các tổ chức, cá nhân tham gia bán hàng qua mạng trên các sàn giao dịch. Đồng thời, chi cục làm việc trực tiếp với Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ công tác quản lý thuế hoạt động TMĐT. Bên cạnh đó, đơn vị gửi công văn đến các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố đề nghị phối hợp cung cấp thông tin tài khoản của các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT từ các trang mạng xã hội như: Google, Facebook, Youtube, Zalo, Agoda, Booking…
Theo thống kê của Chi cục Thuế TP. Nha Trang, tính đến ngày 20-2, phát sinh 78 đơn vị có hoạt động TMĐT nộp hộ thuế nhà thầu nước ngoài; năm 2020, doanh thu phát sinh từ hoạt động TMĐT hơn 33 tỷ đồng, thuế nhà thầu phải nộp 315 triệu đồng. Qua rà soát 115 DN đăng ký tham gia sàn giao dịch TMĐT do Lazada cung cấp, có 10 DN phát sinh doanh thu; 31 DN có website giới thiệu dịch vụ, quảng cáo cam kết không phát sinh doanh thu; 5 DN bỏ địa chỉ kinh doanh; 31 DN giải thể; 3 DN đang tạm ngưng; 3 DN không đăng ký gian hàng trên Lazada; 2 DN đang xác minh địa chỉ kinh doanh; 30 DN chưa phản hồi cho cơ quan thuế.
Cùng với đó, chi cục thuế đang quản lý thuế 57 hộ kinh doanh có phát sinh doanh thu từ hoạt động TMĐT với mức thuế ổn định năm 2020 hơn 186 triệu đồng. Mặt khác, qua rà soát, có 70 hộ nghỉ hẳn; 212 hộ không có mặt tại địa phương; 47 hộ cam kết không kinh doanh… Ngoài ra, cơ quan thuế chưa phát hiện hộ kinh doanh có doanh thu đang quản lý thuế thấp hơn doanh thu trên sàn TMĐT do Sendo cung cấp.
Còn khó khăn
Thực tế, công tác quản lý thuế lĩnh vực TMĐT còn gặp một số khó khăn. Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Nha Trang, do các cá nhân kinh doanh online trên các trang mạng xã hội thường không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ cư trú rõ ràng nên cơ quan thuế khó quản lý. Giá bán, số lượng sản phẩm thường được bên mua và bên bán liên hệ online với nhau, cơ quan thuế không thể xác định chính xác doanh thu và thu nhập của tổ chức, cá nhân kinh doanh để quản lý thu thuế. Mặt khác, phương thức thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, trả tiền khi giao hàng nên không kiểm soát được doanh thu bán hàng. Đối với các website đã thu thập được, cơ quan thuế yêu cầu DN giải trình, cung cấp thông tin để quản lý thuế nhưng các DN thường cam kết không bán hàng qua mạng, website chỉ dùng để quảng bá hình ảnh, thông tin liên lạc. Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật về TMĐT chưa quy định cụ thể cách thức quản lý và chế tài xử lý một số hoạt động kinh doanh qua các mạng xã hội nên một số tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh không thực hiện nghĩa vụ thuế...
Thời gian tới, Chi cục Thuế TP. Nha Trang sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, kê khai nộp thuế đến tất cả người nộp thuế có hoạt động TMĐT; rà soát, đôn đốc người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo quy định. Song song đó, chi cục kiến nghị Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ cung cấp danh sách website, tài khoản của các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT trên mạng xã hội chưa kê khai, nộp thuế. Cơ quan thông tin và truyền thông (quản lý các trang mạng trực tuyến thông qua máy chủ) cần hỗ trợ để có thể xác định doanh thu, chi phí của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Các ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin chi tiết tài khoản giao dịch của các cá nhân kinh doanh để có thể xác định doanh thu TMĐT...
N.K