Người dân xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) mong muốn chính quyền địa phương sớm xây dựng cầu Gia Long, tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện lưu thông, nhất là vận chuyển vật liệu xây dựng, xe đông lạnh chở hàng hải sản.
Người dân xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) mong muốn chính quyền địa phương sớm xây dựng cầu Gia Long, tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện lưu thông, nhất là vận chuyển vật liệu xây dựng, xe đông lạnh chở hàng hải sản.
Năm 2013, dự án hầm đèo Cả chính thức được khởi công xây dựng. Để làm dự án này, Nhà nước đã thu hồi một diện tích lớn đất đai của người dân xã Đại Lãnh, trong đó có khu vực gần cầu Gia Long. Đây là cây cầu có vị trí quan trọng nối liền 2 thôn Tây Nam 1 và Tây Nam 2. Sau khi làm hạng mục đường dẫn phía bắc hầm Cổ Mã, cầu Gia Long được dỡ bỏ, thay vào đó, nhà đầu tư làm một tuyến đường tạm cho người dân 2 thôn lưu thông. Dự án hoàn thành, cầu Gia Long cũng không được nối lại, người dân phải lưu thông qua 2 hầm chui, với quãng đường vòng xa hơn, đặc biệt là việc vận chuyển vật liệu xây dựng cũng như các xe hàng đông lạnh của địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Một chủ doanh nghiệp chuyên buôn bán hải sản đông lạnh cho hay, hàng chục công ty hải sản như gia đình ông có trụ sở ngay dọc đường Gia Long. Trước kia khi có cầu, mọi việc di chuyển hết sức thuận lợi, nhưng từ khi cầu bị dỡ bỏ, muốn chở hàng vào kho hay xuất hàng đi ra Quốc lộ 1 phải tăng bo bằng xe nhỏ, bởi hầm chui thấp, xe lớn không thể di chuyển. Từ đây phát sinh thêm chi phí, tốn thời gian. Ông cùng các chủ doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương sớm xây lại cầu, tạo điều kiện giao thương cho các doanh nghiệp nhưng nhiều năm nay việc này vẫn chưa được triển khai.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực cầu Gia Long nằm song song với một cây cầu trên tuyến đường dẫn phía bắc hầm Cổ Mã. Cầu có chiều dài hơn 20m, nối liền giữa hai thôn Tây Nam 1 và Tây Nam 2 tạo thành trục dọc Bắc - Nam qua xã Đại Lãnh. Khu vực này hiện nay phần dầm và bản mặt cầu đã được dỡ bỏ, chỉ còn lại 2 mố cầu. Đường dẫn cầu phía bắc là khu dân cư khá đông đúc, còn phía nam đã bị xà bần đổ lên, không thể di chuyển được. Người dân cho rằng, việc dỡ bỏ cây cầu vào thời điểm thực hiện dự án hầm đèo Cả là hợp lý. Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành, cầu Gia Long cần được xây dựng lại cùng với đường dẫn phía nam cầu để người dân và phương tiện lưu thông thuận lợi.
Được biết, cuối năm 2017, UBND huyện Vạn Ninh đã công bố quy hoạch chi tiết 1/500 trung tâm đô thị Đại Lãnh, diện tích 103,08ha. Trong đó, trục đường Bắc - Nam xuyên suốt chiều dài của địa phương chính là tuyến đường Gia Long hiện hữu. Đường được quy hoạch với chiều rộng bề mặt đường 20m, trong đó có cầu Gia Long.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết, xã đã báo cáo huyện về việc đầu tư tuyến đường này theo chỉ giới quy hoạch. Theo tính toán sơ bộ, nếu làm đường trục Bắc - Nam sẽ tốn chi phí khá cao (khoảng 55 tỷ đồng). Xã đề xuất và được huyện đồng ý đưa vào kế hoạch trung hạn 2021 - 2025. Tuy nhiên theo đánh giá, do quỹ đất của địa phương bị bóp hẹp rất nhiều sau khi dự án hầm đèo Cả được xây dựng, trong khi xã nằm ở vị trí kẹp giữa hai đèo Cổ Mã và đèo Cả, quỹ đất tái định cư gần như không còn, vì vậy, xã đang nghiên cứu kiến nghị chỉ làm đường Gia Long giai đoạn 1 rộng khoảng 8m. Với bề rộng mặt đường này vừa đỡ tốn chi phí giải tỏa và tái định cư, chi phí xây dựng cũng được giảm, tính khả thi cao hơn. Trước mắt, xã kiến nghị huyện xem xét làm cầu Gia Long trước để tháo gỡ nút thắt vận chuyển hàng thủy hải sản, vật liệu xây dựng cho các doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Thành Nam