Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa thành lập mô hình "Phụ nữ khuyết tật tự lực" tại xã Diên Phú, huyện Diên Khánh. Mô hình này sẽ hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật để các chị có thêm cơ hội vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam vừa thành lập mô hình “Phụ nữ khuyết tật tự lực” tại xã Diên Phú, huyện Diên Khánh. Mô hình này sẽ hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật để các chị có thêm cơ hội vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Giúp đỡ thiết thực
Theo lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, toàn quốc có khoảng 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật. Họ sống chủ yếu dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội, phần lớn thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống gặp nhiều rủi ro, dễ bị lạm dụng, các quyền cơ bản ít được quan tâm. Phụ nữ khuyết tật cũng bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội, chăm sóc sức khỏe, việc làm… Trong khi đó, thực tế chưa có nhiều trung tâm dạy nghề, tạo việc làm, khởi nghiệp chuyên biệt dành cho phụ nữ khuyết tật. Các hoạt động thành lập câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật tự lực còn ít. Một số chương trình tặng xe lăn, dụng cụ hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe còn hạn chế và không thường xuyên…
Chính vì vậy, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhằm tạo cơ hội cho phụ nữ khuyết tật có cơ hội phát triển, có thể đóng góp lợi ích cho gia đình và xã hội, giảm mặc cảm tự ti, nguy cơ bạo lực, nâng cao chất lượng sống, hòa nhập tốt với cộng đồng. Cụ thể, giai đoạn 2013 - 2020, Hội LHPN Việt Nam đã thành lập 33 mô hình “Phụ nữ khuyết tật tự lực” tại các địa phương trên toàn quốc, trong đó có Khánh Hòa. Thông qua mô hình, phụ nữ khuyết tật sẽ được tập huấn, truyền thông, giao lưu, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên…
Tại Khánh Hòa, mới đây, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh thành lập mô hình “Phụ nữ khuyết tật tự lực” tại xã Diên Phú, với 30 thành viên tham gia là những phụ nữ khuyết tật và người thân của họ. Mô hình sẽ giúp bảo đảm quyền lợi cho người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật; khuyến khích bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ khuyết tật…
Giảm bớt khó khăn
Bà Nguyễn Thị Đắc (61 tuổi, ở thôn 3, xã Diên Phú) bị bại liệt nặng 2 chân từ nhỏ và mất luôn khả năng ngồi xe lăn. Hiện nay, bà sống chung với em gái. Bà cho biết, thời trẻ, có khả năng di chuyển bằng 2 tay, bà còn phụ giúp được em gái trồng rau củ trong vườn, thỉnh thoảng tự đi chợ bán kiếm tiền. Bây giờ tuổi cao, 2 tay đã yếu không còn di chuyển được nhiều nên bà chỉ quanh quẩn sinh hoạt, nấu cơm, lau dọn trong nhà, cuộc sống bất tiện, lệ thuộc, sống dựa vào người thân và tình thương của hàng xóm, cộng đồng. Vừa qua, được hội hỗ trợ bồn rửa tay, lắp đặt thấp vừa tầm với, thuận tiện trong sinh hoạt, bà mừng lắm.
Bà Hoàng Thị Anh (thôn 5 xã Diên Đồng) cho hay, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, bà bệnh tật mất sức lao động phải ở nhà, chồng bà lao động tự do, thu nhập bấp bênh, cuộc sống không đảm bảo. Căn nhà nhỏ bà đang ở là nhà tình thương Nhà nước xây cho, chưa có công trình phụ nên sinh hoạt bất tiện. Đợt này được Hội LHPN Việt Nam và cộng đồng tài trợ xây cho gia đình công trình phụ, vợ chồng bà vui lắm. Từ nay, sinh hoạt gia đình sẽ không còn bất tiện nữa.
Bà Phan Thị Quỳnh Như - Phó Trưởng ban Gia đình - Xã hội Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết, các hoạt động trợ giúp, nâng cao kiến thức cho phụ nữ khuyết tật và phụ nữ nghèo của hội nhằm đảm bảo quyền cho phụ nữ yếu thế, giúp các chị tự lực vượt qua rào cản bản thân, giảm bớt khó khăn, hòa nhập tốt với cộng đồng, hướng tới thực hiện tốt phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau”, chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho phụ nữ khuyết tật, chủ động khai thác các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, dạy nghề, hỗ trợ việc làm, cải thiện các công trình giao thông tiếp cận… cho phụ nữ khuyết tật. Đồng thời, chỉ đạo các cấp hội phụ nữ ở các địa phương tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình phụ nữ khuyết tật tự lực hoạt động có hiệu quả; lồng ghép sinh hoạt mô hình với hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn, tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ khuyết tật; giám sát và đề xuất với chính quyền về thực thi chính sách dành cho phụ nữ khuyết tật; tôn vinh và biểu dương kịp thời những điển hình phụ nữ khuyết tật tự lực vươn lên…
Minh Thiết